Mục đích chính trị và thói đạo đức giả
Trước khi kết thúc năm cũ, đã thành một thói quen khó bỏ, một số tổ chức thù địch, hoặc thiếu thiện chí đối với Việt Nam lại trao vài loại “giải thưởng nhân quyền”, công bố một số báo cáo mà mục đích, nội dung là tập trung xuyên tạc, vu khống Việt Nam về nhân quyền.
Với cái gọi là “Phóng viên không biên giới” (RSF) cũng vậy, trong phần về Việt Nam thể hiện trong báo cáo công bố ngày 16/12/2021, tổ chức này lặp lại nguyên văn các luận điệu từng đưa ra nhằm vu khống Việt Nam về tự do ngôn luận, đồng thời trơ tráo xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia “bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới”.
Để đưa ra kết luận xằng bậy đó, từ trước đến nay, RSF luôn sử dụng thủ đoạn đánh tráo khái niệm để “biến đen thành trắng”, bằng cách tự coi một số người viết Facebook, Blog, lập YouTube cá nhân là “nhà báo”. Từ đó đánh đồng, cho rằng việc số người này bị xử lý theo pháp luật do vi phạm pháp luật là “bỏ tù nhà báo”. Nhìn vào số người RSF đề cập, bất kỳ ai có hiểu biết, lương thiện cũng dễ dàng nắm rõ đó là những kẻ có hành vi vi phạm luật, đã bị xét xử, tuyên án vì các tội danh như “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015-sửa đổi bổ sung năm 2017, “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN” theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999. Các điều luật này hoàn toàn tương ứng quy định luật pháp của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn ở Mỹ, cũng có Ðiều 2385 Chương 115-Bộ luật Hình sự Mỹ, có nội dung nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát hành, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết, tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”.
Chưa kể, để có kết luận xằng bậy, RSF đã không sử dụng bất kỳ thông tin chính thức nào từ Việt Nam, không căn cứ vào thực tế phát triển của báo chí Việt Nam, mà chỉ căn cứ vào thông tin phiến diện, sai sự thật, xuyên tạc sự thật vốn trôi nổi trên internet do một số phần tử thù địch, thiếu thiện chí sản xuất rồi gieo rắc. Và cần nhấn mạnh báo chí phương Tây rất nhiều lần vạch trần sự xấu xa đó, như trả lời câu hỏi bảng xếp hạng của RSF giúp được gì, trong bài “Ngày tự do báo chí-ngày của thói đạo đức giả”, nhà báo Tobias Riegel viết “RSF-tổ chức phi chính phủ đáng ngờ, đã kiểm tra quyền tự do báo chí theo tiêu chí của riêng họ và ngạo mạn trong việc ép chặt cả thế giới vào một danh sách xếp hạng rất đáng ngờ”. Còn nhà báo Gert-Ewen Ungar thì viết: “Người ta sẽ phải quen với suy nghĩ rằng các tổ chức phi chính phủ ở phương Tây không phải là các nhà quan sát khách quan, độc lập, mà là theo đuổi một chương trình nghị sự có tính chính trị… với RSF điều đó là chắc chắn. Họ không khách quan. RSF cho thấy họ không phải là một tổ chức phi chính phủ độc lập, mà theo đuổi chương trình chính trị của riêng họ. Vì các tổ chức phi chính phủ ở phương Tây không đáng tin cậy trong việc đánh giá, nên cần phải có cái nhìn riêng, độc lập về bối cảnh truyền thông”. Có thể nói các ý kiến này đã trực tiếp vạch trần bản chất của RSF, và đã phần nào lý giải vì sao RSF có thái độ thiếu thiện chí với Việt Nam.
Thời Nay