Bác bỏ những luận điệu lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước
Luôn tỏ thái độ hằn học, tâm địa không trong sáng, triệt để lợi dụng những khó khăn, bất cập trong đời sống xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta là một thủ đoạn không hề mới của các thế lực thù địch, phản động. Song, lần này, phi nhân tính hơn là, họ lợi dụng chính những đau thương, mất mát không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải gánh chịu trong cuộc chiến phòng, chống đại địch Covid-19 để lu loa xuyên tạc, chống phá. Đó là những thủ đoạn dơ bẩn không thể chấp nhận được xét cả về phương diện chính trị, kinh tế và đạo đức, cần vạch trần, bác bỏ:
Thứ nhất, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư đã gây nhiều thiệt hại về người và của tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, các thế lực thù địch vu khống rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thể chế chính trị của Việt Nam. Theo họ, nếu nước ta sớm liên minh, liên kết với các nước tư bản giàu có, mạnh về tiềm lực y tế thì đã không xảy ra thảm họa đó; từ đây, họ quy kết rằng, đó là hệ lụy của chính thể độc đảng cai trị ở Việt Nam. Đây là cái nhìn phiến diện của những kẻ cố tình không hiểu tình hình Việt Nam, đi ngược lại quyền và lợi ích dân tộc; cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật, phủ nhận những thành quả phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước, chính quyền với nhân dân, biện hộ cho những ý đồ đen tối của họ. Thực tiễn cho thấy, từ cuối năm 2019 đến nay, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành, khiến nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả những nước có tiềm lực kinh tế và hệ thống y tế được coi là hiện đại nhất cũng lâm vào cảnh lao đao. Đối với nước ta, ngay từ đầu, do đánh giá đúng tình hình và nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã đề ra chiến lược nhằm kiểm soát và tránh sự lây lan trên diện rộng. Với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng, sự ưu việt của hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, trở thành điểm sáng được bạn bè quốc tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao. Tuy nhiên, do Covid-19 là loại virus mới, với nhiều biến thể phức tạp, mức độ lây nhiễm trong cộng đồng nhanh, tỷ lệ tử vong ở người nhiễm rất cao… tạo nhiều phát sinh, hệ lụy mới, chưa hề có trong tiền lệ. Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất, kịp thời và quyết liệt nhất theo phương châm: vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, lấy bảo vệ tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với nỗ lực cao, Việt Nam đã tạo nguồn vaccine tiêm miễn phí cho toàn dân. Tính đến ngày 22/12, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 131.010.602 liều, trong đó có 69.268.198 mũi 1; 60.189.056 mũi 2; 1.069.073 mũi 3 (đối với vaccine Abdala ); 116.444 liều bổ sung và 367.831 liều nhắc lại. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 97,0% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 84,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Còn đối với trẻ em, hơn 76% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm 01 liều vaccine phòng Covid-19. Cùng với đó, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho các nước, đóng góp kinh phí vào quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhân văn cao cả của Đảng và Nhà nước ta đối với quốc tế.
Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong các đợt phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với các gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (gói hỗ trợ lần 2) của Chính phủ trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhanh chóng; các thủ tục được thực hiện thông thoáng, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân. Điều đó, khẳng định tính ưu việt của chế độ chính trị ở Việt Nam, mà không thế lực nào có thể xuyên tạc.
Thứ hai, vu cáo việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tổ chức các khu cách ly tập trung (F0, F1) là vi phạm nhân quyền. Có thể khẳng định rằng, việc tổ chức tốt các khu cách ly tập trung đã góp phần quan trọng kiểm soát nguồn lây, kịp thời phát hiện và huy động tối đa mọi nguồn lực cứu chữa bệnh nhân nặng, giảm thiểu đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đây là một nỗ lực rất lớn, thể hiện trách nhiệm chính trị cao của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trước nhân dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại cố tình phủ nhận mục đích nhân đạo, nhân văn của biện pháp này để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách ở mức độ cao hơn tại các địa phương này. Nhân đó, một số báo, đài, như: RFA, RFI, BBC đã có bài viết chỉ trích cách thức, biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Họ cho rằng, việc thực hiện siết chặt giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, quyết định này sẽ là thảm họa; rằng, không thể coi “chống dịch như chống giặc” bởi virus lan truyền trong không khí, do vậy việc chốt chặt, lập hàng rào thép gai là để “tra tấn dân”, v.v. Từ đó, kêu gọi, kích động người dân, nhất là những người trẻ tuổi có nhận thức chính trị hạn chế, người có hoàn cảnh khó khăn chống đối, không tin vào những biện pháp phòng, chống dịch bệnh của chính quyền.
Thực tế đã chứng minh, trong khi chưa có đủ nguồn vaccine để tiêm phủ diện rộng cho người dân, việc áp dụng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh vừa qua của Việt Nam là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, được nhiều nước trên thế giới đánh giá cao và áp dụng quyết liệt vào tình hình cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cấp độ dịch nhất định. Đó hoàn toàn là các giải pháp vì sức khỏe, sự an toàn của nhân dân, chứ không phải là biện pháp “hành dân”, “tra tấn nhân dân” như các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc.
Thứ ba, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an tham gia phòng, chống dịch. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành thống nhất của Chính phủ, cùng với các cấp, ngành và toàn dân, các lực lượng: Y tế, Quân đội, Công an,… đã không quản ngại gian khổ hy sinh, xung kích, đi đầu trong phòng, chống dịch, vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân, để lại biết bao hình ảnh cao đẹp, làm lay động lòng người cả nước. Vậy mà, trên không gian mạng, vẫn có người cố tình bôi nhọ, xuyên tạc những hình ảnh đẹp đẽ ấy, đáng buồn hơn họ còn cho rằng đưa hình ảnh những người lính, những y, bác sĩ cầm từng bao gạo, túi thực phẩm, phương tiện, vật tư y tế, thuốc thang thăm khám phục vụ điều trị tại nhà lên các phương tiện thông tin đại chúng chẳng qua chỉ để làm “màu”, để “quảng cáo”. Nguy hại hơn, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc cho rằng, nhiệm vụ của Quân đội là bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, chứ không phải ở sâu trong nội địa để trấn áp dân? Tráo trở hơn, tổ chức khủng bố Việt Tân còn cắt ghép nhiều hình ảnh xe bọc thép cùng với những người lính cầm súng tung lên mạng để vu cáo “Hà Nội huy động lực lượng Quân đội vào Sài Gòn để dẹp loạn nếu dân đói khổ làm loạn; rằng, Quân đội hiện diện khắp đường phố Sài Gòn là để răn đe dân chứ không phải chống dịch…”. Đây là những luận điệu không thể chấp nhận được của những người đang cố tình hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, cố tình đổi trắng thay đen, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, qua đó phá hoại công cuộc phòng, chống dịch của đất nước, phục vụ cho những mưu đồ đen tối của chúng. Cần thấy rằng, trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa qua, hình ảnh đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, đội ngũ tình nguyện viên trong bộ Blu trắng một lần nữa cho thấy, đó không chỉ hình ảnh cao đẹp của biểu tượng “Lương y kiêm từ mẫu”, mà đó còn là truyền thống nhân ái, nhân văn, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Họ cũng là con người, trong số họ phần lớn đã có gia đình, nhưng vượt qua tất cả, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, những người tình nguyện đã không khoanh tay ngồi nhìn sự hoành hành của dịch bệnh, không thể bỏ mặc sức khỏe, tính mạng của cộng đồng đang bị đe dọa và cận kề bên lưỡi hái tử thần; họ đã tình nguyện cùng các lực lượng lao vào tâm dịch, nỗ lực ngày đêm không quản khó khăn vất vả, hiểm nguy với tâm niệm nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, đưa lại cuộc sống bình yên cho người dân. Trong đó, đã có người mãi mãi nằm xuống khi chưa nhìn thấy những nỗ lực phi thường với những thành quả của mình và cộng đồng để lại. Đáng lý họ phải được tôn vinh, được trân trọng về nhân cách và phẩm giá cao đẹp, nhưng đáng buồn thay, một số kẻ cả ở trong nước, ngoài nước và các tổ chức phản động như Việt Tân,… lại cố tình xuyên tạc về những hình ảnh cao đẹp đó bằng những giọng điệu hết sức vô cảm; rằng là bất tài, là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, v.v.
Cùng với hình ảnh các chiến sĩ mặc Blu trắng, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc từ biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đến các ngõ phố trong vùng tâm dịch cùng với ngành y tế và cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, lực lượng Quân đội, Công an đã cùng với lực lượng y bác sĩ và cả hệ thống chính trị phải gồng mình, nỗ lực để giúp các địa phương đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo cho người dân “không ai bị đói, bị rét”, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Trong lúc nguy nan nhất, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh tính mạng trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm nhiệm mua lương thực, thực phẩm mang đến cho từng hộ dân; chuyển tro cốt những người xấu số vì dịch bệnh đến tận tay gia đình người quá cố, thật hiếm có một quân đội nào trên thế giới có được những hình ảnh đẹp đẽ đó.
Hơn thế nữa, sự có mặt của Quân đội, Công an, trên thực tế đã góp phần nâng cao hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội, bảo đảm cho người dân tuân thủ và chấp hành tốt hơn các quy định phòng, chống dịch; đồng thời, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, điều tiết và cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân an tâm chống dịch, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Đó là sự thật hiển nhiên không ai có thể vu khống, bịa đặt.
Thứ tư, vu cáo Việt Nam không đủ nguồn lực dập dịch, phải kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, mà về thực chất là “bòn rút của nhân dân”. Nhận thấy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã làm cho bức tranh kinh tế – xã hội kém khởi sắc, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình không hiểu, tìm mọi cách để xuyên tạc, bôi đen bức tranh kinh tế – xã hội của đất nước ta dưới các chiêu bài “thật giả lẫn lộn” nhằm lừa gạt dư luận, lôi kéo, kích động những người nhẹ dạ cả tin, các phần tử chống đối phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế. Đặc biệt, lợi dụng cuộc vận động ủng hộ xây dựng quỹ phòng, chống Covid-19 do Chính phủ phát động, các tổ chức phản động, như: Việt Tân, báo Tiếng dân,… ra sức nhào nặn, bóp méo cuộc vận động đó, cho rằng: nền kinh tế Việt Nam kém phát triển, lại bị ảnh hưởng của đại dịch nên không đủ nguồn lực chống dịch phải vận động, quyên góp của nhân dân. Nguy hại hơn khi họ cho rằng, cuộc vận động chỉ là hình thức, còn về thực chất là “bòn rút” của nhân dân, vắt kiệt sức dân, v.v. Đây hoàn toàn là những điều bịa đặt. Vì, vaccine phòng Covid-19 thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch được ngân sách nhà nước đảm bảo nên người dân không phải trả chi phí. Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, kinh phí tiêm vaccine được lấy từ các nguồn: ngân sách nhà nước; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine xin tự nguyện chi trả. Việc Chính phủ xây dựng “Quỹ vaccine” là nhằm huy động sự đóng góp tự nguyện của người dân, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, chứ không phải “bòn rút” như các luận điệu xuyên tạc trên. Hiện nay, quỹ vaccine được Chính phủ quản lý, sử dụng hiệu quả, minh bạch, được nhân dân tin tưởng.
Nhìn lại kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua ở Việt Nam cho thấy, điểm mấu chốt tạo thành sức mạnh đẩy lùi dịch bệnh chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ và chính quyền các cấp; được nhân dân chung sức đồng lòng. Việt Nam đã áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động,… được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thực tế đó, hoàn toàn bác bỏ những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận thành quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
(TCQPTD)