NÂNG CAO CẢNH GIÁC VỀ THÔNG TIN THIẾU KIỂM CHỨNG, SAI LỆCH LỊCH SỬ VIỆT NAM TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Hiện nay, việc sử dụng các thiết bị thông minh có kết nối mạng internet giúp người trẻ chủ động tiếp cận kho kiến thức mới, mở rộng tư duy, tăng sự sáng tạo… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng, sai lệch về lịch sử Việt Nam.
Rất dễ dàng thấy những bài đăng, bình luận, các phát ngôn trên mạng xã hội (Facebook, Tiktok…) với nội dung gây công kích, tranh cãi như: phủ nhận chiến thắng lịch sử của dân tộc, đánh giá sai lệch về vai trò của các anh hùng dân tộc, hoặc xuyên tạc sự thật về các sự kiện lịch sử quan trọng (Ngày Giải phóng Miền Nam (30/4), Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5), Cách mạng Tháng 8 (19/8), Lễ Quốc Khánh (02/9)…).
Những phát ngôn này không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với quá khứ, đối với công lao của các thế hệ cha, ông đã hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.
Những phát ngôn sai lệch về lịch sử trên mạng xã hội có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Một số cá nhân, tổ chức có mục đích xấu cố tình tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch để gây hoang mang, chia rẽ dư luận, thậm chí là kích động bạo lực, gây mất ổn định xã hội. Từ đó dẫn đến gây chia rẽ, mâu thuẫn trong xã hội, có thể kích động lòng thù hận, tạo ra sự bất hòa giữa các nhóm người, các thế hệ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Lịch sử là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Khi lịch sử bị xuyên tạc, bóp méo, hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Để ngăn chặn tình trạng này, thế hệ trẻ cần trang bị kiến thức lịch sử vững chắc, tích cực học tập lịch sử từ các nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bảo tàng, di tích lịch sử… Đặc biệt, các bạn trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo. Luôn kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi chia sẻ trên mạng xã hội, chỉ chia sẻ những thông tin đã được kiểm chứng từ các nguồn đáng tin cậy. Tích cực báo cáo, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai lệch về lịch sử trên mạng xã hội.
Ngoài ra, hành vi xuyên tạc lịch sử Việt Nam trên không gian mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Vì vậy, chúng ta có trách nhiệm quan trọng trong việc chọn lọc thông tin cũng như bảo vệ sự thật lịch sử trên không gian mạng. Bằng sự hiểu biết, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm, các bạn trẻ có thể góp phần ngăn chặn những thông tin sai lệch, xuyên tạc, đồng thời lan tỏa những giá trị lịch sử tốt đẹp của dân tộc đến với cộng đồng.
(TTYN)