NGƯỜI DÂN CẢNH GIÁC VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG XẤU LỢI DỤNG KÍCH ĐỘNG TRONG BÀN GIAO MẶT BẰNG CHO DỰ ÁN CAO TỐC BẮC – NAM

Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44/2022/QH5 ngày 11/01/2022, với tổng chiều dài tuyến 729 km đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 91,77 km, được triển khai thành 02 dự án thành phần gồm đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh (khoảng 42,1 km) và đoạn Chí Thạnh – Vân Phong (khoảng 49,67 km). Trong đó, thị xã Sông Cầu có dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh đi qua địa bàn 05 xã (gồm xã Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2), với tổng chiều dài khoảng 34 km, ảnh hưởng 1.079 hộ, 1.769 mộ, 102 nhà.

Qua công tác vận động của chính quyền các cấp và được sự đồng thuận ủng hộ của người dân, đến nay hầu hết các hộ dân trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc Nam. Nhiều trường hợp sau khi thống nhất bàn giao mặt bằng đã khẩn trương thu dọn cây cối, vật dụng, công trình, nhà ở để bàn giao ngay cho đơn vị thi công san ủi mặt bằng đảm bảo tiến độ chung của dự án. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng, một số hộ dân bị ảnh hưởng cây cối, đất, công trình, nhà ở tại địa phương còn gây khó khăn, chưa bàn giao trên thực địa cho đơn vị thi công, đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công theo tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng trên thực địa vì họ cho rằng đang gửi đơn giải quyết đến các cấp chính quyền, ngành chức năng, chờ giải quyết xong đơn mới xem xét việc giao mặt bằng; một số hộ tuy đã được giải quyết thỏa đáng nhưng nghe theo lời các đối tượng xấu lợi dụng kích động không bàn giao mặt bằng, hướng dẫn khiếu kiện và phải đóng một khoảng tiền khá lớn cho số đối tượng này, có trường hợp hộ dân đã đóng tiền nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được mong muốn như lời hứa hẹn của các đối tượng, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND thị xã đã chỉ đạo thực hiện các thủ tục để cưỡng chế, bảo vệ thi công các trường hợp chây ỳ không bàn giao mặt bằng và kiên quyết xử lý số đối tượng lợi dụng kích động, trục lợi, lừa đảo, gây xáo trộn tình hình tại địa phương.

Chính quyền địa phương luôn nghiên cứu áp dụng các biện pháp giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân, đảm bảo đúng quy định pháp luật nên người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo và thực hiện tốt một số vấn đề lưu ý sau:

Khoản 6, Điều 17, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định “Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại việc thu hồi đất theo quy định pháp luật về khiếu nại. Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất…”. Do đó, trong quá trình người dân đang thực hiện quyền khiếu nại thì vẫn phải thực hiện quyết định thu hồi đất, không phải chờ khi có kết quả giải quyết khiếu nại mới bàn giao mặt bằng. Trường hợp kết quả giải quyết công nhận nội dung khiếu nại của người dân thì chính quyền và ngành chức năng có trách nhiệm bổ sung thực hiện việc bồi thường cho người dân theo đúng quy định pháp luật.

Người dân cần cảnh giác, nhận diện đối tượng xấu lấy danh nghĩa “Luật sư, nhà báo” hoặc danh nghĩa khác để lợi dụng trục lợi cho cá nhân, kích động người dân không bàn giao mặt bằng, cản trở, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đến vi phạm pháp luật.

Các trường hợp còn lại chây ỳ không giao mặt bằng, chính quyền địa phương sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế, chi phí cưỡng chế sẽ do cá nhân bị cưỡng chế chịu trách nhiệm theo quy định; mọi trường hợp cản trở, chống đối sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

(TTYN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *