Nên biết nhận diện chính mình

Mấy ngày qua, dư luận trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở TP Houston nói riêng và ở Mỹ nói chung đang xôn xao về việc nhân viên Ban quản lý quốc tế (IMD) TP Houston bắt đầu tháo bảng tên đường tiếng Việt dọc theo đường Bellaire. 

Ảnh minh họa.

Điều khiến người ta ngạc nhiên là nếu trước đây, một sự kiện như vậy sẽ lập tức bị phản ứng gay gắt, thậm chí biểu tình rầm rộ, thì nay chỉ thấy đôi ba tiếng phàn nàn lẻ loi trên một vài tờ báo của người Việt ở Mỹ, như: “thấy buồn và bực tức”, “một sự sỉ nhục lớn lao đối với cộng đồng người Việt ở đây”!

Chuyện bắt đầu từ quãng chục năm trước, khi trong Hội đồng TP Houston có thành viên là người Mỹ gốc Việt. Các thành viên này ứng cử ở nơi có đông người gốc Việt sinh sống và để kiếm phiếu, họ hứa hẹn sẽ chiều theo đòi hỏi của cử tri, đặc biệt là cử tri từ các hội nhóm “chống cộng”. Sau khi trúng cử, họ vận động thành phố chấp nhận gắn tên đường bằng tiếng Việt. Ở TP Houston, một cộng đồng sắc dân khác cũng được chấp nhận như vậy, song họ chỉ đặt một tấm biển nhỏ phiên âm từ tên đường phố chính thức bằng tiếng Anh để người của sắc dân đó không biết tiếng Anh đi qua có thể nhận biết. Nhưng sau khi được đồng ý, một số người trong cộng đồng gốc Việt lại làm mấy tấm biển to ghi tên một số viên tướng hay sự kiện liên quan “chế độ VNCH” và treo ngang biển tên đường phố chính thức. Nên một số đường phố ở Houston mang hai tên: một tên chính bằng tiếng Anh, một tên tiếng Việt ké vào, thí dụ: đường Beltway 8 (Vành đai 8) lại có tên tiếng Việt là “quốc hận 30-4”! Tình trạng trên khiến nhiều người bất bình, coi đó là một nguyên nhân “tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng của các sắc dân”. Thậm chí trên một tờ báo của người Mỹ gốc Việt, một số người ở Houston coi đó là “thiếu tế nhị, quá đà”, “nhìn hơi quá đáng”, “thấy hơi chướng mắt”… Tới bầu cử gần đây, không còn người Mỹ gốc Việt nào được bầu vào Hội đồng TP Houston, mà bà Tiffany D. Thomas lại trúng cử ở nơi có nhiều người Mỹ gốc Việt sinh sống, và một trong những việc làm đầu tiên của bà là đề nghị dỡ bỏ mấy tấm biển ghi bằng tiếng Việt oái oăm kia! 

Về sự kiện này, trên YouTube, một người Mỹ gốc Việt đã lý giải đó là kết quả của việc cư dân gốc Việt ngày càng lơ là trong bầu cử, lại không đóng góp nhiều với thành phố nên lá phiếu không được coi trọng, còn các nhân vật “chống cộng” nay đã già nua không còn sức để ra đường tổ chức biểu tình… Nói như vậy có thể đúng, nhưng còn một sự thật khác cần chỉ rõ là sau mấy chục năm lợi dụng chiêu bài chống cộng để chống phá Việt Nam và gây sức ép với chính quyền TP Houston, thì đến nay, mấy hội nhóm chống cộng ở TP Houston đã tới lúc sức tàn lực kiệt, bị gạt ra bên lề sinh hoạt của thành phố mà cũng chỉ biết phản đối rất yếu ớt. Chính vì thế, mấy người tự nhận là “nhà dân chủ”, “nhà đấu tranh nhân quyền” lâu nay vẫn được các thế lực chống cộng là người Việt ở nước ngoài cổ vũ, o bế, hỗ trợ tiền bạc,… cần nhìn vào sự thật đó để nhận diện chính mình, từ đó điều chỉnh nhận thức và hành vi để làm những công việc thật sự ích nước, lợi dân.

(THỜI NAY)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *