Ngăn chặn những nguy hại từ các hội nhóm tiêu cực

Ngày 10/3/2024 vừa qua, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ 2 đối tượng trong vụ cướp tiệm vàng ở huyện Bàu Bàng. Đáng chú ý, các đối tượng khai nhận trước đó tham gia các hội nhóm “vỡ nợ làm liều” trên mạng xã hội rồi kết nối, bàn bạc với nhau để đi cướp tiệm vàng.

Đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng tham gia hội nhóm “vỡ nợ làm liều” kết nối với nhau gây án. Vào tháng 11/2023, trong vụ án cướp ngân hàng ở Đà Nẵng, các đối tượng đã chuẩn bị súng, dao để đi cướp, trong lúc bỏ chạy, một đối tượng đã dùng dao tấn công làm tử vong bác bảo vệ của ngân hàng. Hay như năm 2022 ở Hà Nội, các thành viên của hội nhóm này đã cùng nhau gây ra 2 vụ án cướp ngân hàng và cướp tài sản ở nhà dân.

Ngoài các hội nhóm “vỡ nợ làm liều” thì cũng có rất nhiều hội nhóm tiêu cực, lôi kéo, kích động đến các thành viên có các hành vi trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật như: “Hội những người muốn tự tử”, “Hội thích ngoại tình”; “Hội người thứ 3”; “Hội những người ghét cha mẹ”; “Hội hướng dẫn bùng nợ”…

Điều rất đáng lo ngại là những hội nhóm này đang lôi kéo rất đông người tương tác, nhiều hội nhóm có đến hàng chục nghìn thành viên. Ban đầu, nhiều  thành viên tham gia vì muốn giải tỏa tâm lý, tìm người chia sẻ để có cách thoát khỏi phiền muộn, bế tắc trong cuộc sống. Tuy nhiên, thông qua tương tác mỗi ngày, tâm lý tiêu cực lây lan và dần dần hình thành lên một “cộng đồng” có góc nhìn tiêu cực, dần dần hướng đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực rà soát, theo dõi hoạt động của các hội nhóm này để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời. Theo quy định pháp luật, không chỉ xử lý những cá nhân trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong các vụ án như đã nêu trên, mà những người tạo lập, quản trị hoặc các thành viên tham gia các hội nhóm “tiêu cực” trên mạng xã hội cũng có thể bị xử lý hình sự, xử phạt vi phạm hành chính. Những người có hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục, hoặc tạo điều kiện về vật chất hay tinh thần để người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (như giết người, cố ý gây thương tích, tự sát…) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt có thể đến 3 năm tù. Những người đăng tải thông tin có nội dung cổ súy mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, … thì bị xử phạt hành chính từ 05 – 10 triệu đồng theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng đang rà soát, xử lý các nguy hại từ những hội nhóm tiêu cực trên thì mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin, cẩn trọng, tỉnh táo trong việc lựa chọn hội nhóm, cần biết “chọn bạn mà chơi, chọn hội mà vào”. Hiện cũng có rất nhiều hội nhóm tích cực, khuyến khích làm những việc có ích, tốt đẹp như “Hội những người yêu nước Việt Nam”, “Hội những người con yêu cha mẹ”, “Hội thích đọc sách”, “Hội từ thiện giúp đỡ người khó khăn”…

Hương Lài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.