LẠI LÀ CHIÊU ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM…
Hôm 20/01 mới đây, nhà đài VOA tiếng Việt đăng tải bài viết: “CPJ: Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới”. Theo bài viết, Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ) cho biết có tới 19 nhà báo ở Việt Nam đã bị bỏ tù tính đến cuối năm 2023 vì công việc của họ. Trước đó, vào cuối năm 2023, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) cũng đã đưa ra cái gọi là tổng kết năm 2023 cho biết tại Việt Nam hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm, trong đó có 20 blogger. Đồng thời, tổ chức này liệt Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới. Có thể thấy, đây lại là chiêu trò đánh tráo khái niệm, “lập lờ đánh lận con đen” quen thuộc mà các tổ chức nhân danh nhân quyền quốc tế thường xuyên sử dụng để quy chụp, vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam.
Cần hiểu đúng về danh xưng nhà báo…
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 cũng đã dành nguyên Chương II (Điều 10 – Điều 13) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tuy vậy, cần hiểu rằng không phải công dân nào cũng là nhà báo. Khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định rất rõ: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Như vậy, ở Việt Nam, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí song chỉ có những người làm báo chí đã được quy định cụ thể trong Luật Báo chí và các quy định có liên quan mới là nhà báo.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay có tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, núp dưới danh nghĩa “dân chủ”, “phản biện xã hội” để làm ra những “sản phẩm” mà họ tự gọi là báo chí; một số kẻ được sự hà hơi, tiếp sức, cổ xúy từ bên ngoài đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, phát tán những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và tự tung hô nhau bằng những mỹ từ như “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” hay “blogger tự do”. Thực chất đây hoàn toàn chỉ là những khái niệm được các tổ chức, cá nhân đội lốt nhân quyền dựng lên để phục vụ mục đích xấu xa của chúng là vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam mà thôi…
Để không bị đối tượng xấu dắt mũi…
Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, người dân có nghĩa vụ tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Khi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Các đối tượng mà RSF, CPJ nêu ra trong các bản “tổng kết” hay “báo cáo” của mình đều không phải là nhà báo mà chỉ là những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam. Những kẻ cố tình lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, cụ thể hơn là lợi dụng “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” để thực hiện các hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, phản bội Tổ quốc, quay lưng lại với đồng bào bị xử lý hình sự, phải trả giá cho các hành vi sai trái của mình là điều hiển nhiên, chẳng có gì phải bàn cãi. Việc RSF, CPJ và một số tổ chức nhân danh nhân quyền quốc tế khác hết lần này đến lần khác cố tình đánh tráo khái niệm hòng tạo cớ để cổ súy cho những kẻ chống phá sự bình yên của đất nước Việt Nam là việc không thể chấp nhận được. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo nhận diện để không bị đối tượng xấu dắt mũi!
H.X.