Ngăn chặn và bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan

Vào đầu năm mới, một cảnh tượng gây phản cảm thường xảy ra tại nhiều cơ sở thờ tự như đền, chùa, miếu mạo là tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy tranh cướp lộc, rải tiền, xoa tiền vào tượng Phật, đốt tiền, vàng mã số lượng lớn…

Những hoạt động có tính chất mê tín dị đoan sẽ bị ngăn chặn (Ảnh minh họa).

Chưa kể, mặc dù bị xã hội lên án, nhưng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, còn mê muội của một bộ phận công chúng, không ít cá nhân đã nấp bóng tín ngưỡng để thực hành hành vi mê tín dị đoan khiến tệ nạn này có nguy cơ bùng phát, tạo những ảnh hưởng xấu trong xã hội…

Tín ngưỡng là niềm tin thiêng liêng của con người gửi gắm vào thần thánh, vào những biểu tượng thần bí mà các cộng đồng nhân loại sáng tạo ra trong cuộc sống của mình. Vì thế, thực hành tín ngưỡng là hành động thực tế của con người để cụ thể hóa niềm tin tinh thần đó thành các hành vi, sinh hoạt, nghi thức, sự truyền bá, sự phát triển,… trong đời sống của mình.

Với các điều kiện về tự nhiên, địa lý, xã hội, Việt Nam có một không gian đa dạng, phong phú nhưng cũng rất phức tạp về tín ngưỡng. Theo thời gian, cùng với những biến thiên của lịch sử, tín ngưỡng luôn phát triển, đồng hành cùng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên đã và đang xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng hoạt động tín ngưỡng để thực hiện các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn mà biểu hiện rõ nhất là các hành vi mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh”, gửi gắm niềm tin vào những điều mê lầm với tâm lý mê muội và những cách thực hành bất thường, đem đến những hậu quả tiêu cực, phản giá trị cho bản thân và xã hội. Mê tín dị đoan là môi trường thuận lợi cho nạn buôn thần bán thánh tồn tại mang danh thực hành tín ngưỡng hoặc nghi quỹ (luật lệ tín ngưỡng truyền thống) trong tôn giáo. Và đó là phản lại sự văn minh, phản lại tính nhân văn, bản chất của tín ngưỡng.

Cách đây vài năm, việc một giáo phái có tên “hội thánh đức chúa trời” xuất hiện và lan nhanh trong cộng đồng đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Ðiều đáng nói là giáo phái này tuyên truyền những giáo lý đi ngược lại văn hóa, đạo lý của người Việt Nam như bất hiếu, phủ nhận vai trò của các bậc sinh thành, đập bát hương tổ tiên, vô trách nhiệm với gia đình, người thân…

Chỉ bùng phát trong một thời gian ngắn, nhưng hậu quả mà những người mê muội tin theo “hội thánh đức chúa trời” là hết sức nghiêm trọng. Hoặc mới đây, tháng 8-2019 tại Bình Dương, đã xảy ra vụ giết “đạo hữu” cho xác vào thùng nhựa đổ bê-tông đã được phát hiện, điều tra. Trong vụ án này, kẻ thủ ác là những người tu luyện cuồng tín của một giáo phái lạ thực hiện. Họ khai rằng hai đạo hữu không vượt qua được khổ hạnh trong phép tu tịnh cốc và đã bị “trừng trị”, vì như vậy tín đồ đã là hiện thân của “ác quỷ”. Ðó là các thí dụ gây hậu quả nghiêm trọng trong rất nhiều hành vi mê tín dị đoan đã gây ra những hậu quả tiêu cực, thậm chí rất xót xa mà chúng ta từng gặp, từng biết trong cuộc sống ngày nay. Song nguy hại không kém là những biểu hiện mê tín dị đoan dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi khác vẫn đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi trong xã hội. Cùng với đó là tình trạng lợi dụng mạng xã hội để đề cập các dịch vụ tâm linh nhưng thực chất là mê tín dị đoan cũng được quảng bá, công khai chào mời. Mê tín dị đoan là một tệ nạn xã hội nghiêm trọng, đang có nguy cơ bùng phát, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khó lường cho xã hội.

Trên thực tế, thực hành mê tín dị đoan luôn nguy cơ xảy ra với bất cứ cá nhân, gia đình và cộng đồng nhóm cư dân nào, đồng thời rất dễ lây lan trong xã hội. Chưa kể, có tổ chức xã hội sinh ra để “thực hành tín ngưỡng” nhưng lại có quá nhiều hành vi là thủ lợi về kinh tế, mặc cho sức khỏe, tính mạng công dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì sao lại có tình trạng này? Từ thực tế vẫn chứng kiến, chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân chính đó là: Cội nguồn mê tín dị đoan xuất phát từ việc con người chưa nhận thức thực tại một cách lý trí, khoa học. Không phải hễ được đào tạo, có bằng cấp của một chuyên ngành nào đó là người ta có thể thấu hiểu mọi vấn đề của tồn tại khách quan. Ðiều này giải đáp câu hỏi tại sao một số người gọi là có tri thức hoặc hiểu biết mà vẫn thực hành mê tín. Mê tín thường phát sinh trong một môi trường kỳ vọng về hạnh phúc của con người khi đi vào thực tế có thể gặp những bất trắc không thể lường trước, cho nên khó có thể vượt qua để đạt đến kỳ vọng.

Mà kỳ vọng về hạnh phúc thì rất phong phú, tương ứng với từng hoàn cảnh cụ thể, đồng thời không có điểm dừng về mức độ, và chỉ mang tính tương đối trong nhận thức của từng cá nhân. Bởi vậy rất dễ dẫn đến tình trạng đảo lộn, thiếu hài hòa trong các bậc thang giá trị về hạnh phúc nếu mỗi người không tỉnh táo, thận trọng khi đặt kỳ vọng thiếu tương xứng với khả năng thực tế. Một thiết chế xã hội dù văn minh ưu việt đến đâu cũng rất khó có thể tạo nên sự bình đẳng tuyệt đối về cơ hội cho mỗi con người cụ thể với năng lực, số phận khác nhau.

Bởi vậy, khắp nơi trên thế giới, dù là chế độ nào, tình trạng mê tín vẫn luôn tồn tại và có cơ hội là lập tức sinh sôi, nảy nở. Mặt khác, trong bối cảnh mạng toàn cầu ngày càng phát triển như hiện nay, cùng với việc tạo ra một thế giới giao lưu văn hóa cởi mở, thuận tiện đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng thì cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất kiểm soát, và đó sẽ là môi trường lan tỏa rộng lớn cho mê tín dị đoan. Với bản chất là tổng hòa các quan hệ xã hội, con người cũng là kết quả tổng hòa các yếu tố tinh thần xã hội. Cũng trong bản chất đó, con người có tính hiếu kỳ, chuộng lạ, thích sự dễ dàng trong ứng xử thực tế. Phật giáo đã tổng kết ba ác nghiệp “tham – sân – si” và đó cũng là một định đề bình đẳng với các định đề khác như “hiếu sinh”, “bản thiện”, “bản ác”. Và mê tín luôn luôn lan tỏa từ các nội dung đó. Tuy nhiên, một thiết chế với hệ thống pháp luật hoàn thiện, thực thi tốt, có truyền thống trong tinh thần thượng tôn pháp luật,… thì sẽ giúp hạn chế được tình trạng mê tín dị đoan.

Để ngăn chặn và loại bỏ những biểu hiện mê tín dị đoan trong đời sống hôm nay, giúp tạo môi trường cho việc thực hành tín ngưỡng bảo đảm các giá trị tốt đẹp trong đời sống, cần xác định các nguyên tắc cơ bản như: Nghiên cứu nhằm thấu hiểu các giá trị có tính biện chứng, vận động trong thời gian, không gian và chủ thể tín ngưỡng, trên cơ sở đó thực hiện tốt công tác bảo tồn bảo lưu, phát huy phát triển giá trị, truyền thông quảng bá giá trị của các tín ngưỡng; tôn trọng sự đa dạng, tính bản sắc và quyền tồn tại của mọi tín ngưỡng phù hợp tiêu chí “phát triển theo quy luật của cái đẹp” như Các Mác đã nói. Ðồng thời cần xác định việc ngăn chặn, bài trừ mê tín dị đoan là việc làm cần thiết và thường xuyên của mọi chế độ xã hội văn minh, để xã hội ngày càng phát triển, bảo đảm những giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị nhân văn.

Xây dựng một nền giáo dục có hiệu quả với những phương pháp đúng đắn là yếu tố rất quan trọng ngăn chặn hiệu quả và lâu bền nạn mê tín dị đoan từ cội nguồn của nó. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa cần tích cực nghiên cứu, quảng bá các giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, đồng thời lên án, phê phán những biểu hiện của mê tín dị đoan. Không phải bất cứ niềm tin nào vào các biểu tượng thần thánh hay huyền thoại của các tín ngưỡng, tôn giáo cũng là mê tín dị đoan. Ông già Noel rõ ràng là một biểu tượng có tính biểu trưng huyền thoại, song văn hóa đương đại ở nhiều quốc gia vẫn công nhận, bởi ông già Noel mang trong mình các giá trị nhân văn của cộng đồng.

Tôn trọng tín ngưỡng là hiến định, chống mê tín dị đoan cũng là hiến định. Bên cạnh đó, vai trò của các loại hình nghệ thuật và các chính sách văn hóa cũng hết sức quan trọng trong việc bài trừ mê tín dị đoan, giảm thiểu tác hại của nó. Mỗi tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình sẽ là phương cách tốt nhất giúp loại bỏ nạn mê tín dị đoan trong đời sống.

(Nhân Dân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *