Ông Nguyên Ngọc đã sai

Tôi được biết đến cái tên Nguyên Ngọc là bút danh của một nhà văn lớn, nhà báo, biên tập, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà văn quân đội, gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên, từng được phong hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từng là cây bút viết cho phong trào cách mạng trước giải phóng với nhiều tác phẩm văn học trở thành bất hủ mà ít có người nào không biết đến, điển hình như: Rừng Xà Nu, Đất nước đứng lên…. Sau giải phóng, ông có thời gian làm Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ. Khoảng đầu thập niên 1990, Nguyên Ngọc đã từ chức Tổng biên tập và nghỉ hưu. Sau thời kỳ làm báo, ông tham gia tích cực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và chấn hưng giáo dục Việt Nam…

Ông Nguyên Ngọc đã sai

Là một người tri thức, có uy tín ảnh hưởng lớn trong xã hội qua nhiều thời kỳ, có nhiều thành tích đóng góp cho cách mạng Việt Nam nhưng Nguyên Ngọc đã không giữ được phẩm chất của mình, ông đã trở thành một kẻ cơ hội ẩn nấp trong Đảng. Năm 2011, ông đã xin rút tên khỏi danh sách đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh, một giải thưởng cao quý của Việt Nam. Ngày 12 tháng 5 năm 2015, Nguyên Ngọc cùng 19 nhà văn, nhà thơ khác tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam kể từ ngày 11 tháng 5 năm 2015. Ngày 26 tháng 10 năm 2018, ông tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam nhân vụ ông Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị kỷ luật.

Vụ việc ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xảy ra vào rạng sáng ngày 09/01/2020 đã được các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước liên tục công bố những thông tin chính thức, rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều ngày. Thế nhưng, ông Nguyên Ngọc đã cố tình bẻ cong ngòi bút, đổi trắng thay đen, phớt lờ những thông tin chính thống mà các cơ quan là người trong cuộc đưa ra. Trong khi những đau buồn, mất mát, hy sinh của 03 cán bộ chiến sỹ Công an quên mình vì sự bình yên của Tổ quốc dần dần nguôi đi thì ngày 05/02/2020 ông Nguyên Ngọc lại khuấy lên bằng bài viết có tựa đề “Tôi tố cáo” đăng lên trên Facebook cá nhân của mình có tên “Nguyên Ngọc” thu hút hàng trăm lượt thích, chia sẻ và bình luận. Nội dung bài viết đã thể hiện thái độ hành xử của kẻ côn đồ: xuyên tạc, công kích vào Đảng và chính quyền bằng những lời cay độc; tôn vinh, cỗ vũ những việc làm bất lương của tên Lê Đình Kình bằng những lời tôn kính còn hơn tôn kính ông bà, cha mẹ của mình. Không biết ông đã nắm bắt thông tin từ đâu mà lại viết lên được những lời lẽ như vậy? Vì lẽ, chỉ có người trong cuộc mới biết rõ được đầu đuôi và bản chất của một sự việc.

Tôi còn nhớ trong một bài viết của ông Nguyên Ngọc có đoạn: “Ngày xưa người nông dân không dám làm điều ác, họ sợ thất đức. Ngày nay, xã hội không còn khái niệm về thất đức nữa. Người nông dân, những người bình thường nhất, đã không còn sợ cái ác, không còn sợ làm điều ác…”. Là một cây đại thụ trong làng văn học, nếu như ngày xưa ông Nguyên Ngọc đã nhìn xã hội bằng con mắt rất tinh tế, nhưng ngày nay, không hiểu ông lại nhìn xã hội bằng con mắt “ảo diệu” nào mà lại viết rằng “… xã hội không còn khái niệm về thất đức nữa”. Và tôi thấy rằng, Nguyên Ngọc đã trở thành kẻ thất đức trong việc can thiệp vào vụ Đồng Tâm, bất chấp tình cảm, niềm tiếc thương của người dân trước sự hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ.

Thành ngữ có câu: “kính lão đắc thọ”. Năm nay ông Nguyên Ngọc đã ngoài 80, trạc tuổi của ông, bà tôi, lẽ ra tôi đã không viết bài này. Nhưng ông Ngọc đã đi quá xa, ông đã quá sai, ông sai từ trước khi ông lập ra cái gọi là “Văn đoàn độc lập”, cho đến nay, cái sai của ông đã trượt đi quá dài mà có lẽ người Ba na Tây Nguyên chúng tôi đang căm phẫn ông nên tôi phải viết. Tôi viết để mong ông quay đầu trở lại làm người mẫu mực để cho mọi người tôn kính ông, để cho người Ba na, Êđê, Jarai và những chú chim Ch’rao trong những tác phẩm Rừng Xà Nu, Đất Nước Đứng Lên của ông được sống mãi với thời gian.

Y Núc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.