Ngăn ngừa “quá tả”, “quá hữu” sau Đại hội
Chủ quan, nóng vội, phô trương, muốn đột phá bằng mọi giá hay thỏa mãn, dừng lại, cầu an, sợ trách nhiệm… là những biểu hiện tư tưởng dễ phát sinh trong cấp ủy đảng các cấp sau đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.
Những biểu hiện “quá tả” hoặc “quá hữu” ấy, nếu không kịp thời nhận diện và có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, sẽ là mầm mống dẫn đến suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Bài 1: Đột phá không thể hấp tấp, vội vàng
Đột phá là đòi hỏi tất yếu
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã kết thúc, thành công tốt đẹp. Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đánh giá: Dự thảo báo cáo chính trị được các cấp ủy chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học, nghiêm túc, sát thực tế; nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao; nhiều báo cáo thể hiện tâm huyết, tầm nhìn, trí tuệ, ý chí, khát vọng phát triển, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên…
Chất lượng của báo cáo chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của đại hội. Một trong những nội dung quan trọng của báo cáo chính trị tại đại hội đảng bộ các cấp là xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để tập trung giải pháp lãnh đạo, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đề ra. Việc xác định đúng và trúng các khâu đột phá phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, năng lực thực tiễn ở đơn vị, địa phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các khâu đột phá trên thực tế cũng chính là thước đo phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt trong cấp ủy các cấp.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “đột phá” nghĩa là phá vỡ một cách đột ngột. Trong văn kiện đại hội đảng bộ các cấp, “đột phá” là thuật ngữ được sử dụng để chỉ một thành tựu, một lĩnh vực có tính nhảy vọt, thúc đẩy toàn diện hiệu quả thực hiện nghị quyết. Việc xác định các khâu đột phá là ý chí của đại hội, hội tụ trí tuệ tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương: Tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 27 đồng chí bí thư không là người địa phương, tăng 68% so với nhiệm kỳ trước; 51 đồng chí bí thư có trình độ thạc sĩ trở lên, tăng 21% và 28 đồng chí bí thư có độ tuổi dưới 50, tăng 115% so với nhiệm kỳ trước… Như vậy, sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, chúng ta đã và đang có đội ngũ cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ giữ cương vị chủ chốt ở cấp ủy các cấp. Chính vì vậy, xét cả về yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn cũng như tâm lý cán bộ, đảng viên, sau đại hội, việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ mới luôn có những giải pháp, chương trình ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá. Tập trung các nguồn lực, giải pháp để thực hiện các khâu đột phá là một đòi hỏi tất yếu…
Tránh hấp tấp, vội vàng, ngẫu hứng cá nhân
Chính vì tầm quan trọng của các khâu đột phá và đòi hỏi phải đưa ngay nghị quyết đại hội vào cuộc sống nên trong thực tế, cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ trẻ, mới luôn có tâm lý, khát khao muốn sớm chứng tỏ năng lực bản thân. Xét về yếu tố tâm lý xã hội, đây là trạng thái bình thường và phổ biến. Tuy nhiên, nếu sự năng động, nhạy bén có biểu hiện thái quá, vượt khỏi những nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng trong lãnh đạo, điều hành, cán bộ rất dễ rơi vào sự hấp tấp, vội vàng, chủ quan, nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng mọi giá. Dù đột phá bằng cách nào, đột phá ở nội dung, lĩnh vực nào thì hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng phải tuân thủ quy luật tích lũy đủ về lượng mới có thể nhảy vọt về chất.
Thời gian qua, không ít cấp ủy, cán bộ chủ chốt đã mắc phải sai lầm này dẫn đến phải trả giá đắt. Bài học của ông Nguyễn Xuân Anh ở TP Đà Nẵng 3 năm trước là một trong những dẫn chứng điển hình. Thời điểm được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh là một trong hai bí thư tỉnh, thành ủy trẻ nhất cả nước, được dư luận quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện nhiệm vụ trên cương vị, chức trách được giao, ông đã mắc nhiều khuyết điểm, vi phạm nên đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng. Khuyết điểm chính của ông Nguyễn Xuân Anh là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền… Những sai phạm ấy có nguyên nhân xuất phát từ việc chủ quan, nóng vội, thích thể hiện cái “tôi” cá nhân, muốn có kết quả đột phá bằng mọi giá…
Từ những vụ việc vi phạm Điều lệ Đảng, những vụ án tham nhũng bị đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, chúng ta thấy sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, đều có nguyên nhân từ việc nóng vội, chủ quan, áp đặt cái “tôi” cá nhân, dẫn đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây chính là những biểu hiện suy thoái rất rõ của cán bộ, đảng viên. Dễ nhận thấy là, không ít cán bộ trước khi bị xử lý kỷ luật, bị truy tố, xét xử đã tạo dấu ấn nhất định trên truyền thông bằng những tuyên bố, phát ngôn gây chú ý. Tuy nhiên, đó lại là những phát ngôn mang tính ngẫu hứng cá nhân. Nó chỉ thỏa mãn phần nào sự hiếu kỳ của dư luận, hoàn toàn không xuất phát từ những định hướng trong nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã “bắt mạch” những biểu hiện suy thoái này, đó là: “Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi…”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý cán bộ, đảng viên: Phải khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói trái với khuynh hướng và đường lối, nghị quyết của Đảng, ngẫu hứng nói theo ý cá nhân…
Trong tác phẩm nổi tiếng “Thà ít mà tốt” ra đời năm 1923, khi bàn về xây dựng Nhà nước Xô viết, Lênin đã viết: “Thà ít mà tốt-thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp, vội vàng mà không có chút hy vọng nào…”. Đã gần 100 năm trôi qua, lời dạy của Lênin, chúng ta vẫn thấy vẹn nguyên giá trị và tính thời sự.
Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các khâu, các chương trình, phần việc, dự án đột phá ở từng địa phương, đơn vị phải luôn đặt tính khả thi và hiệu quả lên hàng đầu. Tuyệt đối không hấp tấp, vội vàng, chủ quan duy ý chí dẫn đến những sai lầm, hậu quả đáng tiếc. Hệ quả của tình trạng “quá tả” này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, gây thiệt hại, ảnh hưởng về kinh tế-xã hội mà còn là tác nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ, tạo cớ cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng…
(còn nữa)
PHAN TÙNG SƠN/QĐND