Nhân danh Liên hiệp quốc nhưng tảng lờ quy định của Liên hiệp quốc

Mấy ngày vừa qua, bỗng dưng các thế lực thù địch và thiếu thiện chí với Việt Nam sướng rơn như vớ được vàng. Vì bỗng dưng Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc (LHQ) về nhân quyền, văn hóa và Nhóm làm việc chống bắt người tùy tiện của LHQ có gửi thư đến Chính phủ Việt Nam để bày tỏ quan ngại về “tình trạng bắt giữ người tùy tiện và đàn áp đối với các nhà báo độc lập ở Việt Nam” và sau đó như để “tiếp lửa”, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lại xưng xưng “kêu gọi Việt Nam hủy mọi cáo buộc đối với nhà thơ Trần Đức Thạch”! Sướng rơn xong, họ liền coi đó là cơ hội để tiếp âm, khuếch đại và lu loa vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân chủ, nhân quyền.

Nhân danh LHQ nhưng tảng lờ quy định của LHQ

Tiếp xúc với nội dung “thư” của Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền, văn hóa và Nhóm làm việc chống bắt người tùy tiện của LHQ, lời “kêu gọi” của HRW, không khó nhận ra các tổ chức này đã cố tình đánh tráo khái niệm, coi số người họ muốn bảo vệ chỉ là “nhà báo, nhà thơ” nhằm che khuất bản chất vấn đề: Đó là công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam nên đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt tạm giam để điều tra. Trước hết, phải nói rằng tổ chức có tên gọi “hội nhà báo độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp, không được pháp luật Việt Nam công nhận. Từ hoạt động bất hợp pháp mà các cá nhân chủ chốt của “hội” này là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã bị bắt tạm giam để điều tra. Và ngày 10-11-2020, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh tống đạt cáo trạng trong đó kết luận hành vi của ba người này “Đã tiếp tay cho các phần tử bất mãn cơ hội chính trị làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận quần chúng, gây chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và Nhà nước do đó cần phải bị xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục răn đe phòng ngừa chung” và đề nghị truy tố theo khoản 2 Điều 117 Bộ luật Hình sự (2015) về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trần Đức Thạch cũng vậy, năm 2009 người này từng bị bắt, khởi tố và tuyên phạt ba năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Sau khi ra tù và trở thành thành viên cốt cán của tổ chức bất hợp pháp gọi là “hội anh em dân chủ”, Trần Đức Thạch đã bị bắt khởi tố, điều tra và sắp đưa ra xét xử về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự (2015). 

Tóm lại, mấy người được Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền, văn hóa, Nhóm làm việc chống bắt người tùy tiện của LHQ cùng HRW đứng ra bảo vệ toàn là người vi phạm pháp luật Việt Nam. Và khi hành xử một cách phi lý như thế, phải chăng các tổ chức này đã quên luôn khoản 3 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ viết rất cụ thể rằng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người trong xã hội luôn: “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”?

(Thời Nay)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *