Nhà báo trên tuyến đầu chống dịch

Hôm nay có tin gì mới về COVID-19 không? Đã nhiều ngày nay câu hỏi đó được nhiều người nhắc đến. Và để tìm kiếm sự trả lời chính xác nhất, mọi người tìm đến báo chí. Đó có thể là truyền hình, phát thanh, báo điện tử hay báo in…

COVID-19 hay SARS-CoV-2 là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất lúc này. Để có được thông tin nhanh, chuẩn xác, nhà báo chúng tôi đã không ngại khó, ngại khổ, ngại nguy hiểm vào bệnh viện, đến khu cách ly, ra sân bay…
Ai hỏi nhà báo chúng tôi có sợ virus không? Xin thưa chắc chắn là có!

Thế nhưng không vào bệnh viện, nhà báo không thể ghi lại được hình ảnh các bác sĩ ngày đêm cứu chữa bệnh nhân. Và chắc chắn sẽ không có khoảnh khắc người bệnh ôm bó hoa tươi, miệng cười tươi tắn khi khỏi bệnh, rời phòng điều trị được in trên mặt báo…

Không đến khu cách ly tập trung, nhà báo không thể gặp được anh bộ đội lo cơm, lo nước; sẽ chẳng hiểu được các công dân khi cách ly họ dành tình cảm thế nào cho Tổ quốc để ngày mai viết bài…

Không đi, nhà báo không biết được mạng xã hội đưa tin sai sự thật về COVID-19 để bác bỏ, tránh hoang mang cho cộng đồng…

Chính vì những lẽ đó, nhà báo phải đi và phải viết.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh COVID-19. So với các đồng nghiệp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay những địa phương có dịch khác, nhà báo đang tác nghiệp tại Phú Yên may mắn chưa phải trực diện với dịch bệnh. Không phải vì thế mà nhà báo dừng viết, dừng đi. Trên các trang báo hay bản tin thời sự thông tin liên quan đến COVID-19 vẫn được cập nhật đều đặn nhằm lan tỏa đến cộng đồng.

Khi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên thực hiện cách ly những người nghi nhiễm SARS-CoV-2, nữ nhà báo Phương Trà của Báo Phú Yên vẫn “đi đầu” vào Khoa Nhiễm để gặp bác sĩ, nắm thông tin.

Tại sân bay Tuy Hòa, nữ nhà báo Nguyên Linh (VTV8) đeo khẩu trang đứng dẫn hiện trường để truyền đến khán giả những hình ảnh chân thực nhất lúc nhân viên y tế đo thân nhiệt cho hành khách.

Khi các xe khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về Phú Yên qua chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở huyện Đông Hòa thực hiện khai báo y tế, từ 02 giờ sáng, nhà báo Đắc Lâm và Đức Hưng (Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên) tay xách máy, tay xách chân vào tận nơi. Bước chân thoăn thoát len qua những chiếc xe, động tác máy nhanh mà đủ câu hình, lời phỏng vấn nhân vật ngắn mà âm thanh rõ… Cả hai đều dồn sức để hoàn thành phóng sự kịp phát trên bản tin thời sự khi trời vừa sáng.

Khi thầy và trò Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung, Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh… miệt mài pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn, may khẩu trang, làm máy rửa tay tự động,… ủng hộ chống dịch bệnh COVID-19, các nhà báo Trung Hiếu, Thúy Hằng (Báo Phú Yên), Trung Thi (Báo Dân Trí) đã có mặt để ghi lại những hình ảnh đó; viết bài lan tỏa đến cộng đồng những việc làm tốt…

Đây chỉ là số ít chuyện tác nghiệp của nhà báo mà chúng tôi chứng kiến. Từ khi có COVID-19 đến nay đã có hàng trăm, hàng nghìn bài báo của những đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác nhau. Và điều chắc chắn, những bài báo liên quan đến đại dịch này sẽ chưa dừng lại ở đó.

Nhà báo chúng tôi đang tác nghiệp như vậy để đưa tin về COVID-19 đến công chúng.

Mỗi khi “vào trận” chúng tôi đều nhắc nhau phải đảm bảo an toàn. Nhưng thật không may, một đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Việt Nam News đã nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tác nghiệp. Điều đó xảy ra khiến nhà báo chúng tôi càng phải cẩn trọng hơn để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví chống lại dịch bệnh COVID-19 như chống giặc. Và lúc này chúng tôi là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Mỗi dòng tin, bài viết hôm nay đều truyền đi thông điệp đoàn kết để chống đại dịch. Việt Nam kiên cường! năm xưa thắng giặc ngoại xâm, ngày nay thắng giặc virus.

Cuộc chiến chống giặc COVID-19 chưa dừng lại và nhà báo chúng tôi “đâu có giặc là ta cứ đi”!./.

(Sao Sáng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.