NHẬN DIỆN BỘ MẶT THẬT CỦA CÁI GỌI LÀ TỔ CHỨC PHÓNG VIÊN KHÔNG BIÊN GIỚI (RSF)
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) – một trong những tổ chức phi chính phủ hình thành từ năm 1985, trụ sở quốc tế tại Paris, phạm vi hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên hợp quốc làm cơ sở để hành động với mục đích được nêu là bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ.
Nhìn vào mục đích trên, nhiều người nghĩ rằng RSF là một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ “bảo vệ tự do báo chí”, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc và cũng trái với tôn chỉ được nêu, nhiều năm qua, tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam. RSF công khai bênh vực cho những đối tượng lấy danh nghĩa báo chí để thực hiện các hành vi phạm tội, đã bị nước ta xử lý hình sự như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng… RSF gắn cho họ cái mác “nhà báo độc lập” để qua đó chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, tìm cách hạ uy tín và kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Các cá nhân trên là những đối tượng đã lợi dụng vấn đề tự do báo chí, ngôn luận để có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và đã bị các cơ quan chức năng điều tra, xét xử. Việc xét xử, tuyên các bản án đối với bị cáo trên là biện pháp mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện do các đối tượng phạm tội đến cùng, bất chấp các cơ quan chức năng đã nhiều lần áp dụng các biện pháp giáo dục, khuyên giải, xử lý hành chính mà vẫn “chứng nào tật nấy”, tiếp tục tái phạm, thậm chí ngày càng nguy hiểm, manh động hơn. Do đó, một lần nữa cần khẳng định không hề có chuyện Việt Nam giam giữ nhà báo “tuỳ tiện” như RSF quy chụp.
Tự do báo chí không thể vượt quá quy định của pháp luật, không phải là tự do quá trớn, càng không phải muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết theo ý muốn chủ quan của chủ thể. Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, một mặt, Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Mặt khác, không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Ở Việt Nam, không ai bị xét xử, bắt giữ chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật như tung tin giả, tin xấu độc, xuyên tạc, vu cáo hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận… thì bị xử lý theo pháp luật. Rõ ràng RSF đang cố tình phớt lờ đi những thực tế đó và ngày càng lộ rõ định kiến với Nhà nước Việt Nam, cố tình phủ nhận những nỗ lực, thành tựu đạt được của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
(NA.PB)