Lại xuyên tạc Việt Nam không có tự do báo chí – RSF ngày càng bộc lộ bản chất thù địch với Việt Nam!

Mới đây, VOA – nhà đài có thâm niên chống phá Việt Nam hàng đầu, đăng tải bài viết “RSF: Việt Nam tăng cường kiểm soát mạng xã hội, tiếp tục không có tự do báo chí” trong đó loan tin ngày 20/4 vừa qua, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố bản Báo cáo Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020, trong đó Việt Nam xếp vị thứ 175/180 quốc gia trên toàn thế giới về tự do báo chí. Trong báo cáo của mình, RSF nhận định “Chính phủ Việt Nam củng cố kiểm soát nội dung mạng xã hội trong khi tiến hành một làn sóng bắt bớ những nhà báo độc lập hàng đầu trước khi tiến tới Đại hội Đảng vào tháng giêng năm 2021. Trong số này có cô Phạm Đoan Trang, người được RSF trao giải Tác Động hồi năm 2019”.

Lại là một bản báo cáo với đầy chi tiết quy chụp, xuyên tạc, không khách quan và hoàn toàn thiếu thiện chí của tổ chức này đối với Việt Nam. Tại sao lại nói như vậy?

Thứ nhất, Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan và đã cụ thể hoá các quyền trên bằng các văn bản pháp lý. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Và trong Luật Báo chí năm 2016 đã dành hẳn Chương II với 4 điều (Điều 10 – Điều 13) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.

Thứ hai, về diện mạo phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh, truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình với 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí; mạng di động phủ sóng gần 100% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ trên 98% dân số; hơn 64 triệu dân Việt Nam đang sử dụng internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội.

Về nội dung thông tin trên báo chí, trong năm 2020, báo chí đã thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề thuộc các lĩnh vực, nhất là việc xây dựng, ban hành và thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ bà con các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa; thực hiện sản xuất các tin, bài trực tiếp bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế… Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các tiện ích trên mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú; thông tin báo chí trở nên công khai, minh bạch và phổ biến tới đông đảo người dân.

Những số liệu, dẫn chứng cụ thể trên cho thấy diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động, phản ánh những bước tiến mạnh mẽ, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, RSF đã phớt lờ tất cả những thành tựu nổi bật trên để tung ra hàng loạt cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền…

Theo Công ước của Liên hợp quốc về các quyền của dân sự và chính trị thì nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Việt Nam cũng như bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng luật định. Cái tên Phạm Đoan Trang mà RSF gọi là “nhà báo độc lập” và chống lưng bằng việc “trao giải Tác Động năm 2019”, thực chất là kẻ chuyên lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước Việt Nam. Những hành vi phạm tội rõ ràng của Phạm Đoan Trang là không thể bao che, dung túng được dù với bất kỳ lý do nào. Vì vậy, việc khởi tố, bắt tạm giam Phạm Đoan Trang để phục vụ điều tra là đương nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Thông qua bản báo cáo này, cũng như những gì mà RSF đã làm thời gian qua, càng khẳng định một điều chắc chắn rằng tổ chức này mặc dù mang danh là tổ chức quốc tế song đã và đang vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế khi cố tình can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó là điều không thể chấp nhận được, cần phải bị vạch trần và lên án kịch liệt!

Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.