NHẬN DIỆN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC BẮC – NAM
Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Thông tin về việc Chính phủ Việt Nam khởi động dự án cao tốc Bắc – Nam khiến người dân cả nước phấn khởi, các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, bởi đây là dự án lớn cả về nguồn vốn, quy mô và công nghệ, mang tính đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, các báo, đài phản động nước ngoài, các đối tượng chống đối lại xuyên tạc dự án này với vô số những luận điệu kích động nhằm gây hoang mang cho người dân trong nước như: “Việt Nam cần tổ chức trưng cầu dân ý về đề án đường sắt cao tốc?”, “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Việt Nam, nhưng trên thực tế, ở đất nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cơ quan này bị xem là Quốc hội nghị gật”, “Trung Quốc biến Việt Nam thành lá bài quan trọng trong Con đường tơ lụa mới”…vv.
Năm 2010, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được đưa ra bàn luận tại nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Quốc hội đã bỏ phiếu không tán thành triển khai dự án, bởi tổng mức đầu tư dự án là 56 tỷ USD, trong khi quy mô GDP của Việt Nam năm 2010 là 104,6 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt 1.168USD. Chính vì vậy, việc Quốc hội không thông qua dự án cao tốc Bắc – Nam vào năm 2010 là thể hiện sự bản lĩnh và tầm nhìn xa, là tiếng nói phản biện chính xác. Với nguồn lực kinh tế vào thời điểm đó, Việt Nam đã ưu tiên triển khai nhiều dự án kinh tế quan trọng, cấp bách khác, để đến thời điểm hiện nay chúng ta đã nhận được những thành quả quan trọng khi bức tranh kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 465 tỷ USD, đến năm 2025 có thể đạt 500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4700 – 5000 USD, đưa Việt Nam tiến sát vào nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nhìn ra thế giới hiện nay đã có 27 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao, trong đó châu Âu 16 nước, châu Á 9 nước, châu Phi 1 nước và châu Mỹ 1 nước. Ở khu vực Đông Nam Á có Indonesia (2023), Lào (2021) và một số nước như Thái Lan, Campuchia đang gấp rút xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của quốc gia.
Do đó, dư luận đánh giá dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD là hoàn toàn khả thi trong tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như vũ bão, Việt Nam đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với phương châm độc lập, tự chủ, sử dụng công nghệ hiện đại, an toàn, nguồn vốn tự cân đối đã thể hiện được tầm nhìn sâu rộng của Đảng, Chính phủ. Chúng ta tin tưởng rằng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã bắt đầu và một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam đang mở ra.
PHẠM TOÀN