Những biến tướng nguy hại của sự tha hóa quyền lực (Bài 1)
Trước đây, khi nói về thể chế chính trị XHCN, có ý kiến từng cho rằng, khó có thể có sự tha hóa quyền lực bởi chính quyền cách mạng được xác lập, thực thi là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tuy nhiên, những năm qua, mặt trái của kinh tế thị trường như một “cơn lốc dữ” đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên bị chao đảo, thậm chí bị “nhấn chìm” trong “dòng xoáy” của quyền lực. Từ người nắm giữ, thực thi quyền lực, không ít cán bộ, đảng viên đã bị quyền lực quyến rũ, mê hoặc đến mức u mê để rồi trượt dài vào “vũng lầy” tha hóa quyền lực. Đây chính là nguy cơ mà nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả làm mọt ruỗng thể chế chính trị từ bên trong, làm lung lay bộ máy công quyền từ gốc rễ.
Không ngẫu nhiên mà mới đây Đảng ta đã chính thức đề cập vấn đề phòng, chống tha hóa quyền lực trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Vì những năm gần đây, tình trạng tha hóa quyền lực trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng, ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng và chế độ ta.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên ngộ nhận về “màu hồng” của quyền lực
“Tha hóa” được hiểu là trở nên khác đi cái ban đầu, biến thành cái khác theo chiều hướng tiêu cực. “Tha hóa quyền lực” thực chất là hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để làm những việc sai trái, khuất tất nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân hay lợi ích một nhóm người, làm tổn hại đến lợi ích chung của tập thể, lợi ích của quốc gia dân tộc.
Những năm gần đây, trong khi phần lớn cán bộ, đảng viên làm tròn bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn của mình đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị; thì vẫn còn không ít người nắm giữ, thực thi công quyền đã bị cám dỗ bởi “màu hồng” của quyền lực. Khi đã có quyền lực, nhiều người nhận thức không đúng đắn, thấu đáo về tính hai mặt của quyền lực, chỉ nhăm nhăm khai thác, phát huy triệt để ưu thế, quyền lợi, bổng lộc nhờ quyền lực mang lại mà không chú trọng tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Theo nhận định của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đều có chung hành vi vi phạm nguyên tắc dân chủ, vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy. Trong tổng số gần 40 cuộc kiểm tra của UBKT Trung ương đối với các trường hợp khi có dấu hiệu vi phạm, số cuộc kiểm tra phát hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ chiếm 61%, vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy chiếm 66%. Số tổ chức đảng, đảng viên bị thi hành kỷ luật do vi phạm quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng chiếm 74% tổng số tổ chức đảng và chiếm 56% tổng số đảng viên, hầu hết có trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị.
Bản chất của sự vi phạm này là xa rời những quy định, chế định căn cốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện dân chủ hình thức, dân chủ giả tạo để lấy tập thể làm “bình phong” che chắn, lấp liếm nhằm “ý chí hóa” cá nhân người lãnh đạo; thậm chí không ít người đứng đầu cấp ủy đã tìm mọi cách để lèo lái, thậm chí áp đặt các thành viên cấp ủy phải tuân theo, chấp hành ý kiến chỉ đạo của mình.
Bấy lâu nay, dư luận vẫn râm ran câu chuyện: “Thủ trưởng bảo nguyên tắc tập trung dân chủ là gì? Là cứ cho tập thể bàn bạc dân chủ thoải mái đi, nhưng người có quyền quyết định cao nhất, duy nhất là tôi!”. “Tôi” ở trong câu chuyện này là bí thư, chủ tịch, giám đốc, thủ trưởng, tức là người có quyền hành tối cao ở một tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đây là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng câu chuyện tưởng vui mà lại có thật ở không ít nơi như trên phản ánh phần nào sự tha hóa quyền lực bắt đầu từ nhận thức khi người trong cuộc coi quyền lực công như quyền lực tư, coi quyền lực tập thể như quyền lực của riêng mình rồi tự phán, tự quyết, thậm chí có cả biểu hiện “anh hùng nhất khoảnh”, thái độ khệnh khạng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng có lần cảnh báo nghiêm khắc: “Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy!”.
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Nhiều người có quyền lực thường có xu hướng lạm quyền, lộng quyền, thậm chí có trường hợp tham vọng, say sưa quyền lực đến mức mù quáng nên đã tìm mọi cách để tạo ra quyền lực tối đa, tối thượng cho mình và áp đặt, bắt buộc cấp dưới phải nhất mực tuân theo. Nhận thức, thái độ, tác phong độc đoán, chuyên quyền đó là biểu hiện của sự biến thái, tha hóa quyền lực, tác động tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị và bộ máy Nhà nước”. |
Sự tha hóa quyền lực diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hại
Theo nhận định của các chuyên gia chính trị học, sự tha hóa quyền lực biểu hiện dưới rất nhiều dạng, như: Lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền, tiếm quyền, tùy tiện, vô trách nhiệm, quan liêu, độc đoán… Thời gian qua, hầu hết các vụ việc bị phát giác, xử lý, truy tố, xét xử đều gắn với những người có chức, có quyền vì đã dính dáng vào các biểu hiện của sự tha hóa quyền lực nêu trên. Trong đó, sự tha hóa quyền lực thông qua biểu hiện lạm quyền, lợi dụng quyền để vụ lợi, trục lợi diễn ra phổ biến.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 2.400 cán bộ, đảng viên về hành vi tham nhũng và cố ý làm trái. Các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố, xét xử 10.970 bị cáo về các tội tham nhũng, quản lý kinh tế và tội phạm khác về chức vụ. Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hình sự đối với hơn 13.000 đối tượng nắm giữ chức vụ, quyền hạn thực chất nhằm ngăn chặn kịp thời “một tổ mối” đang “đục khoét”, mọt ruỗng thể chế chính trị và làm tha hóa quyền lực nhà nước.
Đáng nói hơn, nếu như trước đây, sự tha hóa quyền lực thường xảy ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức ở cấp cơ sở, cấp huyện, thì những năm gần đây, sự tha hóa quyền lực xảy ra ở một bộ phận không nhỏ cán bộ nắm giữ quyền lực lớn như bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng; bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố và nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Hơn 4 năm qua, đã có gần 100 cán bộ cao cấp bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, 21 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 24 sĩ quan cấp tướng.
Cán bộ có chức vụ càng cao khi tha hóa quyền lực cũng để lại nhiều tai tiếng cho Đảng, Nhà nước và chế độ. Sau khi ông Đinh La Thăng, bị khởi tố, bắt giam ngày 8-12-2017, chỉ ít phút sau đã có hàng loạt cơ quan thông tấn, báo chí ở trong và ngoài nước đưa tin, gây “chấn động” dư luận xã hội, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, một người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố, bắt giam. Hay thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bị khởi tố, bắt giam vì tội nhận hối lộ 3 triệu đô la Mỹ cũng khiến người dân bàng hoàng, bức xúc vì số tiền nhận hối lộ lớn chưa từng thấy ở nước ta.
Điều đáng báo động là tình trạng tha hóa quyền lực không những xảy ra ở những cá nhân cụ thể mà còn lan ra nhiều người và cả tập thể thường vụ cấp ủy. Một số bộ, như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, không chỉ Ban cán sự đảng của ba bộ này nhiệm kỳ 2011-2016 đã bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật, mà 3 người nguyên là bộ trưởng, 1 người nguyên là thứ trưởng cũng đã bị xử lý hình sự.
Nghiêm trọng hơn, có những vụ việc mà tính chất tha hóa quyền lực tập thể đã trở nên điển hình, gây nhức nhối xã hội vì kéo theo hàng loạt quan chức cấp cao, tướng lĩnh “nhúng chàm” như vụ án Đinh Ngọc Hệ, vụ án bảo kê “đánh bạc nghìn tỷ” ở tỉnh Phú Thọ… Đặc biệt nổi cộm là một số vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá công an, đối tượng đã “khuynh đảo” quyền lực đối với hàng loạt quan chức cấp cao và tướng lĩnh khiến họ bị tha hóa và rơi vào vòng lao lý, trong đó có 2 cựu thứ trưởng và 1 cựu phó tổng cục trưởng của Bộ Công an, 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 1 cựu Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh…
Chưa dừng lại ở đó, biểu hiện tha hóa quyền lực tập thể còn kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Vì đã có những thường vụ cấp ủy cả hai nhiệm kỳ liên tiếp (2010-2015, 2015-2020) đều bị xử lý kỷ luật do “sai chồng sai”, như: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai; Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì (Hà Nội); Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh)… Thậm chí có cả những cán bộ thuộc diện huyết thống cha-con, anh-em ruột thịt cũng rơi vào tình trạng tha hóa quyền lực đến mức cha bị khởi tố, con bị mất chức; anh bị cách chức, em bị tạm giam…
Càng thêm day dứt khi có những cán bộ một thời vào sinh ra tử, không bị gục ngã bởi đạn bom, bởi muôn vàn gian khó và từng được xã hội ngợi ca, được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động do lập công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, lao động, công tác; nhưng sau khi đứng trên đỉnh cao quyền lực lại bị đồng tiền “đánh gục” rồi tha hóa đến mức mất cả công danh sự nghiệp lẫy lừng, sa chân vào thảm cảnh lao lý.
Ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Không những cán bộ lãnh đạo, quản lý tha hóa quyền lực mà cả những công chức, viên chức, trợ lý tham mưu, giúp việc, thư ký riêng của lãnh đạo… cũng lợi dụng vị trí công tác được phân công để vụ lợi, trục lợi. Đặc biệt, sự tha hóa quyền lực vừa trắng trợn, vừa tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ “trên-dưới”, “trong-ngoài” bằng một thứ “luật ngầm” đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều ngành. Thậm chí đã có dấu hiệu tha hóa quyền lực của một số cán bộ, đảng viên gắn với tội phạm có tổ chức”. |
THIỆN VĂN/QĐND
(Còn nữa)