NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRÁ HÌNH TÔN GIÁO PHẢI BỊ XỬ LÝ NGHIÊM!

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mới đây nhất là việc trang facebook của Việt Nam Thời Báo đăng bài “Không vi phạm vẫn thu hồi giấy phép” rêu rao: “mặc dù không có bất kỳ sai phạm gì, họ vẫn sẽ bị hủy các thủ tục đã được cấp giấy phép hoạt động sinh hoạt tôn giáo”. Đây là hành động sai trái, cố tình cổ xúy cho những hoạt động mang tính chất tà đạo, trá hình tôn giáo của Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ tại Việt Nam.

Về hoạt động trá hình tôn giáo của Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ

Theo cơ quan chức năng, gần đây Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ có dấu hiệu phục hồi trở lại sau một thời gian im ắng. Đây là tổ chức mang danh tôn giáo nhưng hoạt động theo mô hình đa cấp, lợi dụng tín điều về ngày tận thế trong Kinh Thánh để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người tin theo, làm cho họ quay lưng lại với gia đình, bỏ việc làm và học tập, biến mình thành công cụ tuyên truyền và kiếm tiền cho tổ chức. Tổ chức này dùng nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau để tiếp cận người mới, trong đó có việc lợi dụng các mối quan hệ thân tín, như gia đình, bạn bè, người quen, đồng nghiệp… để dụ dỗ, lôi kéo thêm người tham gia, làm tan vỡ các mối quan hệ vốn là nền tảng của sự ổn định, trật tự trong gia đình và xã hội. Nguy hiểm hơn cả là việc tổ chức này bất chấp quy định của pháp luật khi tự cho mình là mẫu mực đúng đắn và cho rằng mọi tín ngưỡng, tôn giáo khác đều là “tà”. Đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, gây chia rẽ, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Ở Việt Nam không có chỗ cho những hoạt động trá hình tôn giáo!

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân luôn được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm trên thực tế. Đến nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, với khoảng 27 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm hoạt động bình thường về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Dù có đức tin, hệ thống giáo lý và giáo luật khác nhau, nhưng các tôn giáo ở Việt Nam có chung điểm tương đồng đó là luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đó là điều đã được thực tiễn khẳng định. Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, huy động nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ngày nay.

Cũng như các quyền tự do khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo nhưng pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá, xâm phạm quyền, lợi ích của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo. Bên cạnh việc thực hiện các quyền tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo mỗi tổ chức, tín đồ tôn giáo còn phải thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Không tôn giáo, tín đồ tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật và lợi ích quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam không có chỗ cho những hoạt động tôn giáo trá hình, những hoạt động trá hình tôn giáo phải bị xử lý nghiêm!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.