XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ – THỦ ĐOẠN CỰC KỲ NGUY HIỂM!

Thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, trong những năm qua, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, xuyên tạc, gây chia rẽ, mất ổn định an ninh chính trị, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Có thể kể đến một số âm mưu, thủ đoạn quen thuộc mà các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội thường xuyên sử dụng để chống phá ta, như: Lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai, cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị vu cáo Nhà nước ta “phân biệt đối xử”, “đàn áp”, ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc”; cố tình đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết với quyền của các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào các dân tộc đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập nhà nước riêng, dựng nên các tổ chức đối lập, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; triệt để tác động các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo… nhằm xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta, gây sức ép đòi Nhà nước Việt Nam phải trao “quyền tự quyết, tự quản” cho người dân tộc thiểu số ở trong nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong đó đáng chú ý là thủ đoạn lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo…, xuyên tạc chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ta. Với dã tâm đen tối của mình, trong những năm qua, các thế lực thù địch vẫn không ngừng xuyên tạc các chính sách về dân tộc, tôn giáo, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gieo rắc tư tưởng dân tộc cực đoan hẹp hòi, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam… Mục đích mà chúng hướng tới chính là gây bất ổn tình hình chính trị – xã hội, tạo nguy cơ xung đột, chia cắt đất nước ta thành nhiều vùng, miền, khu vực tự trị của đồng bào dân tộc thiểu số do lực lượng chính trị phản động nắm giữ, hoàn toàn ly khai khỏi Nhà nước ta, từ đó phá vỡ khối đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc, làm suy yếu dân tộc Việt Nam.

Thực tế thì sao? Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Uỷ ban Dân tộc chủ trì, chỉ đạo 25 chính sách; các bộ, ngành khác chủ trì, chỉ đạo 111 chính sách. Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Quốc hội Khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể; Quốc hội khoá XV ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, với 10 dự án thành phần. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp nhiều nội dung chương trình, dự án, chính sách; là sự kiện nổi bật, trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc, bởi lần đầu tiên ở nước ta có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Qua hơn 35 năm đổi mới đã chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những con số, dẫn chứng trên đã khẳng định mạnh mẽ nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền của người dân tộc thiểu số, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời là cú tát trời giáng vào dã tâm đen tối của bọn phản động, hại nước hại dân!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.