Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc chính sách đất đai được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp. Lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức xuyên tạc, phủ nhận các kết quả quan trọng đạt được tại Hội nghị, nhất là việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Thủ đoạn chủ yếu của bọn chúng là tiếp tục đào sâu vào những bất cập, hạn chế liên quan đến lĩnh vực đất đai để hạ bệ, bôi nhọ và hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; đưa ra những quan điểm sai trái, làm sai lệch công tác lập pháp trong lĩnh vực đất đai; bóp méo sự thật, phủ nhận những kết quả đã đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI,… Theo đó, chúng rêu rao rằng: “Sáu tổ chức xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phổ biến một kiến nghị có tên “Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai”, “việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”… từ đó đưa ra yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi ngay Luật Đất đai và phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu giống như nhiều nước khác.
Thời gian qua, chúng ta không phủ nhận là đã có nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai xảy ra tại nhiều địa phương; thị trường bất động sản không ngừng gia tăng những cơn “sốt” đất, tăng giá; sự điều tiết của Nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý;… Do đó, Hội nghị Trung ương 5 lần này đã thẳng thắn tiến hành đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể những điểm đã làm được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về “Về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, không phù hợp với cơ chế, thời đại; tập trung nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng các định hướng trong phát triển đất nước, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước về sở hữu toàn dân đối với đất đai do Nhà nước làm chủ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động quản lý đất đai ở Việt Nam. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; khẳng định tính thiết thực, đúng đắn trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai.
Như vậy, thực chất những luận điệu mà các đối tượng tung ra như trên không phải vì mục đích góp ý hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai mà chỉ là chiêu trò để thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai, từ đó tiến đến việc làm thay đổi bản chất xã hội, làm chệch hướng mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng. Trước những luận điệu lạc lõng trên, mọi người cần cảnh giác, tránh mơ hồ, nhầm lẫn khái niệm. Từng người dân phải có nhận thức đúng đắn, cách nhìn khách quan, chính xác về đất đai và quản lý đất đai sẽ góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
(BVTH)