Phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về vấn đề tự do tôn giáo ở nước ta hiện nay
Từ khi ra đời, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người cũng như các tôn giáo hoạt động và tham gia đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tinh thần “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp các tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật.
Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện tư duy lý luận về tôn giáo và quản lý đất nước trong lĩnh vực tôn giáo. Nghị quyết 24 (1990) của Bộ Chính trị khóa VI về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Nghị quyết 25 (2003) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo đã có những bước đổi mới, đột phá, thừa nhận “tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” và “tôn giáo đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Đây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, thể hiện đường lối, quan điểm một cách rõ ràng, minh bạch nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề tôn giáo trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, không chỉ khẳng định sự “tồn tại lâu dài” của tôn giáo, mà còn phát triển mức cao hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc và CNXH ở nước ta.
Với quan điểm nhất quán đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đã được minh định theo hướng “vừa giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, vừa kịp thời đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo” và “công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”. Cũng xuất phát từ quan điểm đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều được luật hóa trong các bản Hiến pháp và các bộ luật liên quan trên các mặt công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm, “mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo… Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24, Hiến pháp 2013).
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, qua thống kê cho thấy, năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo với 17 triệu tín đồ, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Tính đến ngày 31/12/2021, ở Việt Nam, Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu thuộc 16 tôn giáo; có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự(*).
Ngày nay, các tôn giáo đều xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc như: “Hộ quốc an dân” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” của Tin Lành; hoặc “Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài… Những đường hướng này phù hợp với giáo lý, với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phù hợp với lợi ích của đất nước và lợi ích của Giáo hội.
Tuy nhiên, thế lực thù địch và một số tổ chức phản động đội lốt tôn giáo chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình” để chống phá Việt Nam. Chúng tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điệu sai trái, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, “đàn áp tôn giáo”, xuyên tạc trắng trợn về tình hình tôn giáo ở nước ta, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo. Qua theo dõi, trong 5 năm từ 2017-2022, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Họ tự cho mình có quyền đánh giá, “phán xét” về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác.
Họ sử dụng thông tin, do những tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cực đoan, chống đối trong tôn giáo ở trong và ngoài nước, bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước làm căn cứ, cơ sở báo cáo đánh giá, nhận định thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam; qua đó, khuyến khích, cổ vũ cho các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ”, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của tôn giáo và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.
Với âm mưu muốn giáo dân chống đối chính quyền, chúng kích động với luận điệu như: “Quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do tôn giáo” của người dân bị xâm phạm; “chính quyền can thiệp vào nội bộ của tổ chức tôn giáo”; “các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân là tổ chức tôn giáo quốc doanh”; đồng thời lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo”, “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”…
Họ kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại “Danh sách nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) và “gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do không cần đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định tại Điều 16, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không cần đăng ký để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định tại các Điều 17, 18, 19 và 20 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận”…
Phải khẳng định ngay rằng, những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc nêu trên là hết sức phi lý, với ý đồ, mục đích xấu xa nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, nhằm tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là gì? Họ đại diện cho ai để phê phán, đánh giá về tự do tôn giáo của Việt Nam, khi mà các phê phán, đánh giá của họ chỉ là sự lạc lõng, thiếu khách quan không được chức sắc tôn giáo tiến bộ trong và ngoài nước ủng hộ.
Song dù các thế lực thù địch có cố tình, xuyên tạc chống phá thế nào chăng nữa cũng không thể chia rẽ chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo. Những năm qua, tuyệt đại đa số chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo trong nước luôn đồng hành gắn bó với dân tộc, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Các thế lực thù địch, cơ hội cực đoan lợi dụng vấn đề dịch Covid-19 thời gian qua để xuyên tạc rằng, Việt Nam lợi dụng công tác phòng, chống dịch để thực hiện các vấn đề vi phạm dân chủ, nhân quyền. Vu cáo Đảng và Nhà nước ta không chăm lo cho đời sống của đồng bào dân tộc, tôn giáo, không cho họ tổ chức lễ hội truyền thống…
Tuy nhiên, để củng cố niềm tin trong bối cảnh dịch bệnh lúc bấy giờ, Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19, tổ chức sinh hoạt tôn giáo bằng hình thức trực tuyến… vẫn thể hiện được niềm tin tôn giáo ngay tại tư gia. Chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo đã tình nguyện tham gia nơi tuyến đầu chống dịch, làm tốt công tác an sinh xã hội trong thời gian chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch Covid-19, đưa cuộc sống người dân và sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường, thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.
Để ngăn chặn, không để thế lực xấu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo, các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo Hiến pháp năm 2013; thể chế quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo. Chính quyền các cấp quan tâm, giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân. Chính các chức sắc tôn giáo phải vững vàng trước những luận điệu xấu độc để ra sức cùng Đảng và Nhà nước vận động đồng bào nhân dân nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch.
Cùng với đó, nâng cao đổi mới hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền; không để thế lực xấu lợi dụng xuyên tạc vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân trên các kênh thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Lan tỏa những tấm gương “người tốt, việc tốt”, sống “tốt đời, đẹp đạo”; các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo đạo nổi bật của các cấp ủy, chính quyền địa phương, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần hình thành tư tưởng tích cực trong cán bộ, đảng viên, định hướng dư luận củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tôn giáo.
Tại các diễn đàn song phương, đa phương, các tổ chức tôn giáo Việt Nam cần thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình và lòng tự hào dân tộc, tích cực ủng hộ và đóng góp sáng kiến vào các tuyên bố chung, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, giảm xung đột, bạo lực và chiến tranh vì lý do tôn giáo, sắc tộc. Vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước, khẳng định truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào tôn giáo luôn được vun bồi, phát huy và tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam.
(*) Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.
Xuân Khoa – Thanh trúc/BIÊN PHÒNG