Phát triển bền vững nhưng không để vấn đề môi trường bị lợi dụng
Sau khi Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số ra ngày 7-10 đăng bài viết “Ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng bảo vệ môi trường”, dư luận xã hội có nhiều ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề báo nêu vì thời gian gần đây, có khá nhiều thông tin khác nhau về vấn đề môi trường, phát triển bền vững cả trên báo chí và mạng xã hội (MXH).
Có không ít thông tin đã bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, bóp méo, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, dư luận kiến nghị, cần nhận diện rõ sự thật, quan tâm xử lý nghiêm túc những bất cập về môi trường để phát triển bền vững nhưng cũng phải cảnh giác, kịp thời xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm những hội, nhóm, trang mạng núp bóng vấn đề môi trường để phá hoại an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Báo QĐND xin trích đăng một số ý kiến phản hồi sau bài báo.
Giữ nghiêm kỷ cương phép nước
Câu chuyện các nhóm đối tượng lợi dụng vấn đề về môi trường để xuyên tạc làm mất ổn định trong nước đã quá rõ và không còn mới. Bài học cho thấy chúng thường núp bóng dưới cái mác bảo vệ môi trường (BVMT) để xuyên tạc nhiều vụ việc làm phức tạp tình hình. Ví như, các đối tượng làm bản báo cáo đánh giá môi trường ven biển miền Trung gửi đến Quốc hội, trong đó có những thông tin không chính xác, thậm chí còn sử dụng cả hình ảnh cá chết ở Mỹ để kích động. Và đó là những nguyên nhân dẫn đến biểu tình, đập phá… gây mất ổn định.
Đối với vấn đề phát triển kinh tế và môi trường, chúng ta đã có chủ trương, phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, xã hội, con người, BVMT một cách tương xứng, hài hòa. Nhưng cũng cần tỉnh táo không để kẻ xấu lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc chống phá. Hiện nay, các dự án kinh tế triển khai đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, về đầu tư, BVMT, được các bộ, ngành thông qua trước khi Chính phủ quyết định. Do đó, nếu phản biện phải có căn cứ, không nên chụp mũ, làm nản lòng các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển chính đáng.
Chúng ta lại thấy một kịch bản quen thuộc khi trong hai tuần qua có hơn 4.000 trang mạng tán phát các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật liên quan đến các dự án sinh thái du lịch ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng. Báo QĐND đã có bài viết chỉ rõ, sự việc có bàn tay của các tổ chức phản động. Vì vậy, để ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng BVMT, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng, trước hết là cơ quan công an cần vào cuộc điều tra, tìm ra các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm minh, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH – (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Không để vấn đề bảo vệ môi trường bị lợi dụng
Tôi hoan nghênh quan điểm giải quyết hài hòa thỏa đáng giữa phát triển bền vững với đấu tranh ngăn ngừa hiện tượng lợi dụng vấn đề môi trường để phá hoại các dự án đầu tư trong bài viết trên Báo QĐND. Trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 2.000 dự án tác động đến môi trường và đòi hỏi phải có đánh giá tác động môi trường. Khi triển khai đòi hỏi phải tuân thủ đúng các quy định định của pháp luật về đầu tư, BVMT, phản biện một cách khách quan, trung thực, có căn cứ trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị cũng đặc biệt coi trọng việc quản lý môi trường và trở thành tiêu chí hàng đầu cùng với công nghệ cao, an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên vừa qua, cũng có một số dự án làm chưa tốt, làm theo hình thức, gây hậu quả nghiêm trọng, như dự án Formosa Hà Tĩnh. Nhưng đáng lo hơn là xung quanh vụ việc này, nhiều vấn đề đã bị lợi dụng nhằm kích động người dân, gây phức tạp tình hình chứ không còn thuần túy về môi trường. Theo đó, cùng với việc xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng vấn đề môi trường để kích động, chúng ta cần phải có một cơ quan với hệ thống kết nối nhằm tiếp nhận thông tin về môi trường và BVMT, nhất là kiến nghị của người dân để tránh bị các đối tượng lợi dụng, kích động.
TS NGUYỄN MINH PHONG – (Chuyên gia kinh tế)
Báo chí truyền thông cần lên tiếng đấu tranh
Bài viết “Ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng bảo vệ môi trường” của tác giả Hà Thành đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có ý nghĩa cảnh báo, cảnh tỉnh độc giả, dư luận trước những âm mưu đen tối của kẻ xấu.
Lựa chọn chiêu bài “bảo vệ môi trường” để tập hợp, lôi kéo lực lượng chống phá Đảng là một âm mưu rất thâm độc, bởi người dân ai cũng yêu môi trường. Do đó, nếu hồn nhiên nghĩ rằng, theo tổ chức này hay tổ chức nọ chỉ để BVMT, hay đơn thuần bảo vệ một dòng sông, một ngọn núi, một di sản thiên nhiên… mà không nhận ra đó chính là chiêu trò “dựng ngọn cờ” để tập hợp lực lượng thì rất dễ dính bẫy. Vì thế, tuyên truyền để nhân dân nhận thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là hết sức cần thiết. Trong quá trình phát triển, việc công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng các công trình, cơ sở kinh tế để thu ngân sách, là điều mà địa phương nào cũng phải tính đến. Tuy nhiên, do năng lực hạn chế, do hệ thống cơ chế chưa hoàn thiện, nên trong công tác quản lý nhà nước về môi trường không thể tránh khỏi những sai sót. Đây là điều mà kẻ xấu lợi dụng để làm vống lên, để chính trị hóa các sai sót.
Ở miền Trung, chúng tôi đã có nhiều bài học kinh nghiệm về các vụ việc lợi dụng vấn đề BVMT để tụ tập đông người, kéo người dân xuống đường gây cản trở giao thông, kích động gây rối, đập phá, thậm chí gây chết người, để lại hậu quả khôn lường, kìm hãm sự phát triển. Có nhiều vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường đã giải quyết xong hậu quả, nhưng kẻ xấu vẫn lợi dụng để tụ tập gây rối, vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng nhận biết. Do vậy, rất cần các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc một cách quyết liệt và có trách nhiệm. Đối với báo chí, nhà báo viết về môi trường phải có cái tâm vì cộng đồng, đồng thời phải tỉnh táo trước dư luận MXH. Báo chí nếu đăng tải thông tin về các dự án có ảnh hưởng đến môi trường thì phải điều tra, xác minh cho chính xác, không nên chỉ dựa vào thông tin trên mạng; thậm chí đăng tải thông tin từ những trang mạng xấu độc gây hoang mang dư luận. Nhiều cá nhân vừa qua đã bị xử phạt do đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH thì những trường hợp báo chí đăng tải thông tin sai sự thật từ MXH cũng cần phải làm rõ, xử lý nghiêm minh và công bằng…
NGÔ KIÊN- (Phó tổng biên tập Báo Nghệ An)
Đừng bảo vệ môi trường bằng cách kêu gào suông theo trào lưu mạng
Bài báo “Ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng bảo vệ môi trường” đã có những thông tin hết sức kịp thời, toàn diện về âm mưu lập các nhóm và trang mạng núp bóng BVMT để phá hoại đất nước. Âm mưu và thủ đoạn của các thế lực phản động hết sức tinh vi, có sự tính toán kỹ lưỡng. Chúng đã đánh trúng tâm lý giới trẻ và bịa ra những danh nghĩa huyễn hoặc như “một tổ chức bảo vệ môi trường”, “một nhóm sinh viên thiện nguyện”, “một nhóm trí thức trẻ”, “các nghệ sĩ đường phố”… để dễ bề lôi kéo, kích động. Điều đó cho thấy, nếu các bạn trẻ không tỉnh táo, chịu khó tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống mà theo đuổi những “lý tưởng” viển vông thì rất dễ bị lợi dụng, sa ngã dẫn đến vi phạm pháp luật, tiếp tay cho các thế lực phá hoại, cản trở đất nước phát triển.
Tôi cho rằng, nếu thực sự hành động vì môi trường, các bạn trẻ nên tham gia vào những hoạt động do chính tổ chức đoàn ở nơi mình học tập, công tác, sinh sống phát động. Nhưng trước hết, mỗi chúng ta hãy gương mẫu ngay trong cuộc sống hằng ngày bằng cách vệ sinh môi trường sạch sẽ, trồng thêm cây, chung tay bảo vệ rừng, vận động người dân thu gom rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon hay đồ nhựa, đồ dùng một lần… chứ đừng lên internet, MXH kêu gọi hô hào suông.
ĐẶNG THÀNH HUY – (Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên)
Nhìn thẳng vào sự thật khác với thổi phồng sự thật
Là một người sinh sống lâu năm ở nước ngoài, nhưng tôi vẫn thường xuyên quan tâm đến tình hình trong nước và không thể không trăn trở vì những thiệt hại đã, đang xảy ra đối với môi trường ở Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do để tôi đọc kỹ bài “Ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng bảo vệ môi trường”. Nhìn thẳng vào sự thật khác với thổi phồng sự thật.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả bài viết này. Theo tôi, để mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề, bài viết này cần được các địa chỉ truyền thông trong và ngoài nước, cũng như MXH phổ biến rộng rãi hơn.
Về vấn đề môi trường, trước hết cần phải nhận thức rằng, một phần đáng kể của các hiện tượng tiêu cực là sự cố tình vi phạm luật pháp. Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành nhiều biện pháp thiết thực. Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá ngày càng tinh vi bằng cách tán phát thông tin xấu, thông tin sai sự thật. Những gì họ làm trong những ngày qua làm tôi nhớ đến sự việc xảy ra mấy năm về trước. Lúc đó, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh, các phần tử quá khích gây ùn tắc giao thông, phá hoại trụ sở chính quyền, gây thiệt hại về tài sản, thương tích cho nhiều người. Kẻ giật dây chính là các tổ chức phản động ở nước ngoài.
Về lâu dài, trong xây dựng chính sách, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của một số nước công nghiệp có nhiều thành tích trong việc BVMT, như ở Đức với các nguyên tắc: Nguyên tắc người gây nên (tiếng Đức, Verursacherprinzip), kẻ gây ra ô nhiễm cũng phải chịu chi phí xử lý; nguyên tắc bền vững (Prinzip der Nachhaltigkeit) trong lâm nghiệp, khai thác gỗ hằng năm có thể không được lớn hơn lượng gỗ tái tạo, tốc độ suy thoái không được vượt quá tốc độ tái sinh, lượng chất thải hoặc khí thải ô nhiễm không được vượt quá khả năng hấp thụ của thiên nhiên.
HỒ NGỌC THẮNG – (Việt kiều tại Cộng hòa Liên bang Đức)
Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Tôi hoan nghênh bài viết “Ngăn ngừa những “bàn tay đen” núp bóng bảo vệ môi trường”. Bài báo góp phần ngăn chặn và lật tẩy những “bàn tay đen” núp bóng BVMT chính là những trang, nhóm do các tổ chức Voice, Green Trees đứng sau và hiện tượng này cũng xảy ra lâu nay ở TP Đà Nẵng của chúng tôi.
Nhiều người dân Đà Nẵng rất bất bình với trang mạng có tên “Trả lại đường lên Bà Nà-giữ lấy Sơn Trà” nhiều năm qua luôn tán phát thông tin với luận điệu hoàn toàn xuyên tạc tình hình, nhằm phá hoại những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân TP Đà Nẵng xây dựng nên. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng được công nhận là thành phố bền vững về môi trường ASEAN và APEC bình chọn là một trong 20 thành phố lớn đạt tiêu chí “Thành phố hàm lượng cacbon thấp”, và cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thường nhắc đến cụm từ “thành phố đáng sống” khi nói về Đà Nẵng. Đó là một quá trình nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Được biết, theo cơ quan chức năng, trang thông tin này cũng được sự hậu thuẫn của các tổ chức Voice và Green Trees nhưng không hiểu sao nó đã tồn tại nhiều năm, hoạt động trái pháp luật mà chưa bị xử lý. Có phải đây cũng là nguyên nhân khiến vấn đề môi trường luôn bị kích động kéo dài, gây ra nhiều hậu quả xấu. Tôi đề nghị đã đến lúc các cơ quan chức năng, các cơ quan pháp luật, trước hết là UBND TP Đà Nẵng cần sớm “vào cuộc” nhằm đấu tranh làm rõ những chân tướng phản động, những đối tượng lợi dụng các trang, nhóm núp bóng BVMT tuyên truyền phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
PHAN HỮU THẠCH – (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)