Phê phán luận điệu “Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là không phù hợp”
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân Việt Nam cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với trách nhiệm cao, việc làm thiết thực, các đơn vị Quân đội đã không ngừng tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mang tới bạn bè, nhân dân thế giới hình ảnh rất đẹp về Việt Nam, giúp tăng cường đoàn kết, sự ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những luận điệu xuyên tạc, hòng phủ nhận ý nghĩa của hoạt động cao cả này, cần đấu tranh bác bỏ.
Đối ngoại quốc phòng là một trong những chủ trương, nhiệm vụ quan trọng, trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Thực hiện chủ trương này, từ tháng 6/2014, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với hình thức cá nhân và đơn vị tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) và trụ sở Liên hợp quốc (Hoa Kỳ), trên các lĩnh vực: tham mưu, y tế, công binh, v.v.
Hình ảnh những chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Quân đội nhân dân Việt Nam tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là đại diện cho trách nhiệm, tấm lòng của nhân dân Việt Nam, một dân tộc thấu hiểu hơn ai hết nỗi đau chiến tranh, muốn góp sức để gìn giữ hòa bình và cũng là thể hiện nghĩa tình, tri ân nhân loại tiến bộ trên thế giới dành cho Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây. Những đóng góp to lớn của lực lượng “mũ nồi xanh” Việt Nam được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nhân dân nước sở tại ghi nhận, đánh giá cao với tình cảm trân trọng đặc biệt đã góp phần tô thắm tinh thần quốc tế cao cả, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lại ra sức xuyên tạc, hạ thấp vai trò lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ cho rằng: Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là không phù hợp, không mang lại lợi ích gì cho đất nước; gây tốn kém ngân sách, rủi ro cho lực lượng vũ trang; thậm chí có kẻ còn lớn tiếng rằng, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình là tham gia liên minh quân sự, đi xâm lược nước khác, v.v. Cần khẳng định rằng, đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, xuyên tạc về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mục đích của những luận điệu đó là nhằm chống phá đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta; làm tổn thương hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, sai lệch bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm mất lòng tin, giảm uy tín của Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế. Đồng thời, nó gây ra sự nghi ngờ, bất an và thiếu trách nhiệm đối với một số người dân, tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của gia đình, người thân các quân nhân tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc.
Chúng ta biết, cả về lý luận và thực tiễn tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, với những minh chứng sau:
Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc một cách thận trọng và theo từng giai đoạn, dựa trên khả năng triển khai lực lượng, quản lý rủi ro và tiết kiệm tối đa chi phí trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách được nghiên cứu, hoạch định và chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Về công tác chuẩn bị pháp lý, Việt Nam đã cử các đoàn công tác liên ngành tìm hiểu, khảo sát thực tế tại Liên hợp quốc và các cơ quan gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; từ đó, đề ra chủ trương, quy định pháp luật, làm cơ sở thực hiện. Điều 89, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “… Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở Việt Nam, khu vực và thế giới”; Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại kỳ họp thứ 10. Đó là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với thế giới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành, Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo; thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (năm 2014) và nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để triển khai nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Như vậy, việc tham gia hoạt động này là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta; có lộ trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với lĩnh vực mà Việt Nam có đủ điều kiện, năng lực và nguồn lực để đảm bảo triển khai thành công. Bên cạnh đó, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình là thực thi theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đặt dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp cho hoạt động gìn giữ hòa bình, được Liên hợp quốc bảo đảm, hỗ trợ và có sự hỗ trợ của quốc tế, đã góp phần giảm đáng kể việc chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động này. Do vậy, luận điệu cho rằng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gây tốn kém ngân sách, gây rủi ro cho lực lượng vũ trang là hoàn toàn lạc lõng, sai trái.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, do đó việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhân đạo và duy trì an ninh quốc tế theo chương trình của Liên hợp quốc là khẳng định nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế cao cả của Việt Nam. Các lực lượng của Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chỉ tập trung vào các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo và tái thiết, góp phần xây dựng hòa bình ở các quốc gia, khu vực, như: Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei) đang gặp rất nhiều khó khăn do nội chiến và nạn đói triền miên. Việc này không chỉ là một nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, mà là một trong những minh chứng cam kết thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Mặt khác, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cũng góp phần nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; nâng cao hình ảnh, vị thế, tạo sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Quân đội, đất nước và nhân dân Việt Nam. Vì vậy, luận điệu cho rằng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chỉ là “vác tù và hàng tổng, việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” là cách tiếp cận thiên kiến, phiến diện, không đúng sự thật, chỉ với dụng ý xấu mà thôi.
Việt Nam luôn nhất quán tuân thủ đường lối, chính sách đối ngoại: không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và luôn tôn trọng nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, như đã được ghi trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”1. Việt Nam đã từng là nạn nhân của chiến tranh xâm lược và hiểu rõ những hậu quả và đau thương của chiến tranh. Do đó, Việt Nam luôn đề cao giá trị hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế; những hoạt động của các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoàn toàn phù hợp với các quy định của Liên hợp quốc, luật pháp Việt Nam và không có mục đích gì khác.
Thực tế đã minh chứng, từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã đóng góp tích cực và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của Quân đội ta trong hoạt động này là tham gia tích cực vào các nhiệm vụ tái thiết, duy trì hòa bình và hỗ trợ nhân đạo. Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi các đơn vị: bệnh viện dã chiến, đội công binh đến tham gia vào các nhiệm vụ khắc phục hậu quả xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình của Liên hợp quốc tại nhiều khu vực ở Châu Phi còn nhiều khó khăn, bất ổn. Các đơn vị y tế của Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình y tế nhân đạo, cứu trợ thiên tai, cứu hộ, hỗ trợ người dân vùng nông thôn nghèo khó và các trẻ em mồ côi, tàn tật; đồng thời, tham gia vào các dự án phát triển cộng đồng cho nhân dân bản địa, giúp giảm bớt nghèo đói, cải thiện điều kiện sống và góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, bình đẳng và công bằng. Sự đóng góp của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận, đánh giá cao, “là hình mẫu” cho nhiều nước khác. Tỷ lệ sĩ quan Việt Nam đạt xuất sắc và đặc biệt xuất sắc là trên 30%, trong khi đó tỷ lệ bình quân của Liên hợp quốc chỉ là 01% – 02%. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hòa bình – Jean Pierre Lacroix đã phát biểu: “Những hoạt động Việt Nam tiến hành gần đây nhằm củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động gìn giữ hòa bình rất đáng làm hình mẫu cho nhiều nước khác bởi Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác liên quan để đào tạo quân sự; đồng thời, tìm ra những phương thức tốt hơn để có thể đảm bảo hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình của mình đạt hiệu quả tốt nhất”. Tại phái bộ MINUSCA, Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ khi trao tặng giấy khen cho Trung tá Nguyễn Thị Liên đã nói: “Lòng nhân từ, bác ái và thiện chí của cô thể hiện những giá trị cốt lõi của Liên hợp quốc. Cô xứng đáng là Đại sứ tuyệt vời của Việt Nam”. Sự thực trên bác bỏ mọi luận điệu sai trái, phản khoa học, không có căn cứ của các thế lực thù địch, nhằm cố tình hạ thấp uy tín của Quân đội, xuyên tạc đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta.
Trong tình hình quốc tế hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc không chỉ thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, mà còn đóng góp hiệu quả, thiết thực cho hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; khẳng định một Việt Nam có trách nhiệm, nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và có ý thức về nghĩa vụ cao cả, khát vọng của mọi người dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình, ổn định, an toàn và thịnh vượng. Đồng thời, là cách để chúng ta phản bác lại các quan điểm sai lệch hoặc cố tình “bóp méo” đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam.
NGUYỄN VĂN NGUYÊN*/TCQPTD
____________
* – Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh.
1 – Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb CTQGST, H. 2019, tr. 25.