CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC VIỆC MIỄN NHIỆM, TỪ CHỨC CỦA CÁN BỘ
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc về việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, nhất là việc xây dựng văn hóa từ chức ở nước ta. Thủ đoạn của chúng là đăng tải lên mạng xã hội các thông tin nóng về tình hình nhân sự cấp cao ở nước ta như: “Rộ trào lưu xin nghỉ việc của quan chức”, “rộ tin cán bộ từ chức” hay rêu rao “xin từ chức để hạ cánh an toàn”, “có thể xây dựng văn hóa từ chức bắt đầu từ ép buộc”, “buộc từ chức hay xin từ chức”… Từ những thông tin này, chúng suy diễn, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực.
Chúng ta biết rằng, hiện nay công tác cán bộ không phải là cố định, bất biến, đợi đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu, mà đã có tính “động” và “mở”. Việc “có lên, có xuống, có vào, có ra” dần trở thành bình thường. Từ nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước. Việc miễn nhiệm, hoặc cho từ chức đối với người đứng đầu không phải khi nào cũng là do cá nhân đó có sai phạm, mà có thể chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách, hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
Việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ là việc bình thường, thể hiện trách nhiệm chính trị của bản thân đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân; mục tiêu của việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, vừa đáp ứng nguyện vọng của cá nhân, vừa góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đảm bảo đúng quy định, là một phần văn hóa trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước, chứ hoàn toàn không do bất kì một tổ chức, cá nhân nào có thể ép buộc, chèn ép được. Vậy nên không có chuyện “xây dựng văn hóa từ chức từ ép buộc” hay “buộc từ chức”… Thực tế cũng cho thấy, ngay cả khi cán bộ cấp cao về hưu nhưng khi có dấu hiệu vi phạm vẫn bị tiến hành điều tra, khởi tố theo đúng quy định của pháp luật, chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Như vậy, miễn nhiệm, từ chức là công việc bình thường trong công tác cán bộ, phù hợp với quy luật vận động, phát triển của xã hội. Đảng, Nhà nước thực hiện miễn nhiệm, từ chức theo đúng quy định, nguyên tắc và xem xét nguyện vọng của cá nhân. Vì vậy, mọi người cần nhận thức rõ quan điểm này và bản chất của việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ trong thời gian qua; nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cố tình xuyên tạc bản chất sự việc để chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Quốc Sách