Phía sau những phúc trình báo cáo của USCIRF

Hoạt động của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) trong vai trò là tổ chức theo dõi, giám sát vấn đề tự do tôn giáo quốc tế và có quyền triệu tập các buổi điều trần, soạn thảo bản phúc trình hàng năm về tình hình tôn giáo quốc tế cho Tổng thống và Quốc hội Mỹ. Đồng thời, có quyền lập danh sách các nước trong diện “Cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC)” để đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định.

Ảnh minh họa

Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ là tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ Mỹ, thành lập trên cơ sở “Đạo luật Tự do tín ngưỡng quốc tế – HR.2431” và do Tổng thống Mỹ ký, ban hành ngày 27-10-1998. Cơ cấu tổ chức của USCIRF gồm 10 thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống Mỹ và lãnh đạo của hai đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong lưỡng viện Mỹ.

Bản chất hai mặt của USCIRF

Từ khi được thành lập đến nay, USCIRF đã nhiều lần cử các đoàn lâm thời vào Việt Nam. Mặc dù, đoàn USCIRF luôn đặt vấn đề: “Không phải vào Việt Nam để phê phán, khuyến khích tự do tôn giáo kiểu Mỹ mà là để tìm hiểu tình hình sát thực tế, báo cáo Tổng thống và Quốc hội Mỹ, thúc đẩy tự do tôn giáo và quyền cơ bản của con người”. Tuy nhiên, trong các chuyến thăm Việt Nam, đoàn USCIRF đều đặt vấn đề thẳng với ta: “Vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa đạt theo các Công ước quốc tế”; “Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn trong quan hệ Việt – Mỹ”, “Nhân quyền là trọng tâm quan hệ Việt – Mỹ” …

Thậm chí, trong các cuộc làm việc với Chính phủ và các ban ngành, chức năng của Việt Nam, đoàn USCIRF còn ngang nhiên đưa ra những đề nghị thiếu thiện chí, gây căng thẳng trong đối thoại, trao đổi về tình hình tôn giáo. Liên tục trong nhiều năm, USCIRF đều gây sức ép với ta đòi thả tự do cho số đối tượng cực đoan, chống đối trong các tôn giáo có hoạt động vi phạm pháp luật đang thi hành án phạt tù mà họ cho là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” như: Hồ Đức Hòa, Lê Quốc Quân, Trần Thị Nga, Lê Đình Lượng, Nguyễn Năng Tĩnh…

USCIRF là công cụ phục vụ cho mưu đồ của Mỹ và đồng minh

Tất cả quá trình đó đã cho thấy bản chất “hai mặt” của USCIRF khi tuyên bố một đằng nhưng làm một nẻo. Nhưng chung quy lại, từ hoạt động của đoàn USCIRF tại Việt Nam trong những năm qua cho thấy, rõ ràng USCIRF là công cụ để Mỹ và các thế lực thù địch tiến hành các hoạt động chống phá nước ta về vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, công khai can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, lấy vấn đề “tự do tôn giáo” để gây sức ép, để “mặc cả”, đánh đổi vấn đề chính trị với lợi ích kinh tế. Cụ thể:

Trên cơ sở những thông tin, nhận định sai lệch của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, trong các phiên điều trần “về tự do tôn giáo” trước Quốc hội Hoa Kỳ, số cực hữu trong chính giới Mỹ, EU thường xuyên ra điều kiện, yêu cầu Việt Nam cải thiện “tình trạng vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” với những dẫn chứng thiếu khách quan như: “tình hình vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục có khuynh hướng tiêu cực”; “trong năm 2018, chính quyền tiếp tục đàn áp trên diện rộng các lãnh đạo tôn giáo, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động ôn hòa và những người chỉ trích khác trên toàn quốc, đặc biệt là để đáp trả lại những cuộc phản đối diện rộng chống lại Luật An ninh mạng mới hà khắc và dự luật về đặc khu kinh tế”…

Đáng chú ý, theo thông lệ hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều đưa ra 2 bản báo cáo: “Báo cáo về tình hình nhân quyền thế giới” và “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế”. Hai báo cáo này tuy gọi là về “tình hình thế giới” nhưng tập trung chỉ trích vào những nhà nước do các Đảng Cộng sản lãnh đạo, cầm quyền, trong đó có Việt Nam.

Năm 2004, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách CPC, năm 2006 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC… Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm vừa thừa nhận Việt Nam có một số tiến bộ nhất định trong việc cho phép người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng nhưng mặt khác vẫn kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Thông tin trong báo cáo của USCIRF không đáng tin cậy

Các lần vào Việt Nam cho thấy diện đối tượng tiếp xúc của USCIRF khá rộng, tuy nhiên USCIRF ưu tiên gặp gỡ số chức sắc, nhà tu hành và số tín đồ có thái độ chính trị xấu, mang nặng tư tưởng tôn giáo cực đoan, ít nhiều cũng đã từng có hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm đến an ninh trật tự.

Trong các lần gặp gỡ số chức sắc, nhà tu hành, đoàn USCIRF đã công khai bày tỏ quan điểm sẵn sàng tài trợ bất hợp pháp cho số này hoạt động trở thành “ngọn cờ” chống đối trong tôn giáo, thậm chí là khuyến khích họ hoạt động độc lập, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước. Ngược lại, được sự khích lệ, hứa hẹn bảo trợ sau mỗi lần tiếp xúc với đoàn USCIRF, các đối tượng chống đối tích cực cung cấp thông tin, tài liệu vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống Việt Nam.

Trong khi đó, thực tế cho thấy, ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm và có chính sách bảo đảm phát triển tự do, công bằng, bình đẳng đối với các tôn giáo. Tính đến tháng 9-2019, Việt Nam có 25,1 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, 55.710 chức sắc, 145.721 chức việc. Việc ra đời các tổ chức tôn giáo một mặt phản ánh sự quan tâm của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, từ bức tranh toàn cảnh về tôn giáo Việt Nam cho thấy một diện mạo mới mẻ ngày càng có nhiều nhà thờ Công giáo được tu sửa, xây mới, các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức tại Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị),… thu hút hàng vạn tín đồ tham dự và luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ từ phía chính quyền.

Bên cạnh đó, hàng chục triệu tín đồ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hàng triệu tín đồ nhiều tôn giáo khác vẫn sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển đất nước; cũng như việc Liên hợp quốc chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc trong các năm 2008, 2014, 2019…

Thế nhưng, các thế lực thù địch, số đối tượng chống đối trong tôn giáo lại cố tình phớt lờ, ra sức phủ nhận các thành tựu về tôn giáo, cùng với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, họ đã và đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để tạo sự chống phá đa diện nhằm vào Đảng và chế độ ta, thậm chí còn xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta “bóp nghẹt” tôn giáo, hòng bôi nhọ bức tranh tôn giáo ở Việt Nam.

Đồng thời, để củng cố dẫn chứng nhằm hạ uy tín của Việt Nam trong các bản phúc trình về “tự do tôn giáo”, USCIRF còn tài trợ, hậu thuẫn cho các tổ chức tôn giáo thiếu thiện chí với Việt Nam ở nước ngoài như “Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam”; “Mạng lưới nhân quyền Việt Nam”… để soạn thảo các bản “phúc trình”, lập hồ sơ “những nạn nhân bị đàn áp tôn giáo”, vận động tổ chức các “diễn đàn” tạo cơ hội cho số chống đối cực đoan trong và ngoài nước lên tiếng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo trên diễn đàn quốc tế.

Mặt khác, xét trong tính liên tục của các báo cáo về tình hình tự do tôn giáo thế giới do USCIRF công bố hằng năm, có thể thấy, dù có nhiều cuộc làm việc, khảo sát trực tiếp ở Việt Nam, được Việt Nam cung cấp tài liệu cụ thể, chính xác nhưng những người soạn thảo các báo cáo vẫn sử dụng rất nhiều tin tức do thế lực thù địch, thiếu thiện chí bịa đặt để vu cáo, vu khống, xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam và dựa vào đó để đánh giá.

Từ những dẫn chứng đó, có thể khẳng định rằng thông tin được phản ánh trong các bản phúc trình về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo của USCIRF trình bày trước Quốc hội của Hoa Kỳ không đáng tin, không thể hiện sự khách quan khi bóp méo một chiều theo luận điệu xuyên tạc của số đối tượng cực đoan trong tôn giáo ở trong và ngoài nước.

Với mục tiêu không thay đổi, trong thời gian tới, lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch và số đối tượng chống đối sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo gắn với dân chủ, nhân quyền với nhiều hình thức, thủ đoạn mới để chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, việc nhận diện một cách cơ bản về hoạt động của USCIRF sẽ góp phần nâng cao cảnh giác trong phòng ngừa, ngăn chặn mọi ý đồ xấu từ việc lợi dụng vấn đề tôn giáo gây phương hại đến sự phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Phạm Duy/Cand

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *