Phòng chống, đấu tranh thói ba phải và thái độ “im lặng đáng sợ”
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Thực tế thấy rằng những thiếu sót, khuyết điểm này đã được gọi đúng tên, cái nọ liên quan đến cái kia, thậm chí là nơi trú ẩn, là chỗ để ngụy biện cho những điều sai trái. Vì vậy, phải đồng thời phân tích, chỉ rõ biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục nó thế nào cho hiệu quả, để hướng tới xây dựng một bầu không khí trong lành, tin cậy, chân thành, vô tư trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Xưa nay có nhiều cách nói về những người dĩ hòa vi quý. Nào là ông ba phải, gió chiều nào che chiều ấy. Nào là ông mũ ni che tai, khôn ăn người. Nặng nề hơn thì cho rằng đó là kẻ “ngậm miệng ăn tiền”. Thời hiện đại, còn có những cụm từ mới xuất hiện: “tai lành tai điếc”, “đi giữa hai hàng”…
Năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Bác gọi những kẻ khôn ăn người như thế là “bọn thứ ba”. Đó là những kẻ cơ hội, là khôn mà không ngoan, làm gì cũng nghĩ đến cái lợi riêng mình mà quên đi lợi ích chung, quyền lợi của người khác. Thời nay, “bọn thứ ba” là người ta ám chỉ những người “dĩ hòa vi quý”.
Thật ra thành ngữ “dĩ hòa vi quý” khởi thủy của nó là thiện ý tốt. Nôm na rằng, lấy hòa thuận làm vui. Chịu khó nhẫn nhịn một chút, hòa là quý, nhẫn là cao. Đừng vội nổi xung lên, phỉ báng, nhiếc móc nhau, bé xé ra to, mà nên “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”. Đúng như cái nghĩa ngọn nguồn này thì quá hay. Thế nhưng, theo thời gian, theo những diễn biến phức tạp trong đời sống hiện đại mà dần dần cái nghĩa của thành ngữ này bị hiểu chệch, hiểu sai, lắm khi chỉ còn được hiểu theo nghĩa đó là tính cách khôn lỏi, chả bao giờ nêu chính kiến, “tránh voi chả xấu mặt nào”, tránh mất lòng người khác, nhất là mất lòng cấp trên.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó có một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Thực tế thấy rằng những thiếu sót, khuyết điểm này đã được gọi đúng tên, cái nọ liên quan đến cái kia, thậm chí là nơi trú ẩn, là chỗ để ngụy biện cho những điều sai trái. Vì vậy, phải đồng thời phân tích, chỉ rõ biểu hiện, nguyên nhân và cách khắc phục nó thế nào cho hiệu quả, để hướng tới xây dựng một bầu không khí trong lành, tin cậy, chân thành, vô tư trong mỗi cơ quan, đơn vị.
“Ngậm miệng” tức là ngược lại với những anh hay phán xét, phách lối, a dua, nói năng văng mạng. Đương nhiên, cả hai thái cực này đều cần phê phán. “Ngậm miệng” mà là “một sự nhịn chín sự lành”, giữ kín chuyện nội bộ, khỏi tổn thương người khác thì hẳn là điều tốt. Cái nguy hại ở chỗ “ngậm miệng ăn tiền”, tức là đã có chủ ý xấu rồi. Ở một cơ quan nọ, mấy người bảo nhau, cái ông X lúc nào mồm cũng như rùa ăn sung, chả có chính kiến gì. Khi anh ta có ý kiến thì toàn dựa ý cấp trên, dựa ý tập thể, mong “làm rõ thêm” và “hy vọng rằng”. Còn khi cần nói rõ, vấn đề này sai chỗ nào, đúng chỗ nào, thái độ của anh, sẽ xử lý ra sao, thì anh ta sẽ “ném cát bụi tre” bằng những câu chữ mập mờ, nước đôi, đại loại như: “Cần tính toán thêm, nên hỏi lại cơ sở, vấn đề này nhạy cảm, có thể lùi đến phiên họp sau được không?”. Hoặc có anh nói ráo hoảnh: “Tôi biểu quyết theo đa số”. Thế nhưng lúc giải lao thì vẫn là anh, rỉ tai người này, vỗ vai người khác: “Ông nói đi, ông nói khách quan hơn tôi. Tội cậu này đáng chém”. Hoặc: “Oan cho nó quá! Đồng chí gần nó lâu sao không nói. Sau này nó oán chúng ta”. Cái kiểu bày tỏ, vận động hành lang này đã cũ lắm, nhưng nó sống dai dẳng và biến ảo rất tinh vi. Nhất là từ khi nó được sự “phù phép” của chiếc điện thoại thông minh vốn chả có tội vạ gì.
Vì sao căn bệnh này tồn tại dai dẳng thế? Vì sao mà không ít cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao cũng mắc thói tai lành tai điếc. Thậm chí có vị chủ trì cuộc họp sắp diễn ra cũng “khó” nói sự thật, bèn nghĩ ra cách gọi điện cho cấp dưới: “Mai chú đề xuất nhé. Anh nêu 3 phương án, chú theo phương án này. Việc này là anh vì chú!”. Nó khiến cho người trong cuộc trằn trọc, mất ngủ không đáng có. Nó là mảnh đất cho cái “cây” suy diễn nảy mầm, suy bụng ta ra bụng người, chủ quan và phiến diện.
Vì sao dai dẳng thế, còn là do thái độ cầu an. Nói ra lúc này thế nào đây, khen cũng chết, chê cũng chết. Đại hội đến nơi rồi, bầu bán sát gần rồi, mất phiếu có khi chỉ vì “lộ thiên cơ”, thế là đành trốn vào một cái tham luận vô thưởng vô phạt “mạnh bước trên đường phát triển”. Im lặng còn vì một thỏa thuận ngầm nào đó, lợi ích của tôi, của anh, của “nhóm tôi”, “nhóm anh”. Và người ta đã chọn im lặng.
Vì sao dai dẳng thế? Vì cái chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, cái tôi lớn quá. Có khi là vì quá đam mê quyền lực, quá ham muốn về vật chất nên đánh mất mình. Quyền lực và danh vọng thường làm hư hỏng con người. Vụ Việt Á gần đây nhất, cái vô lương hoành hành trên nỗi đau khổ của đồng loại là một minh chứng rõ nhất. Có người rao giảng về đạo đức nhưng đã “im lặng” cho thuộc cấp, cho những đơn vị liên quan nhân danh khoa học vi phạm pháp luật.
Rất mừng là, bên cạnh những chuyện kể trên, có rất nhiều gương sáng quanh ta. Trong các cơ quan, đơn vị có rất nhiều những tấm gương sáng-tấm gương trung thực, dám nói thẳng, nói thật. Thấy đúng thì bảo vệ để khuyến khích người tốt, việc tốt, lên án những kẻ cơ hội, đố kỵ, thúc đẩy công việc hoàn thành. Thấy sai thì lên tiếng mạnh mẽ để làm rõ đúng sai, vạch trần tham nhũng, tiêu cực. Có những cán bộ quân đội, cựu chiến binh suốt mấy chục năm không chịu im lặng, kiên quyết đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác, mặc dù có thể nguy hiểm tới bản thân, gia đình. Như trường hợp cựu chiến binh Trần Văn Bính (sinh năm 1946), 20 năm kiên trì đấu tranh chống tham nhũng và cuối cùng đã thành công. Ông đã thẳng thắn nêu vấn đề tiêu cực ra trước Đại hội Đảng bộ phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bị đe dọa, bị đánh trọng thương ông vẫn không lùi bước. Các cán bộ tiêu cực cũng không mua được sự “im lặng” của ông, dù họ trả “giá” rất cao. Thấy sai mà mình im lặng thì càng sai, ông Bính trả lời đơn giản như vậy.
Một câu hỏi đã có nhiều dịp được trả lời, rằng làm sao đây để chống được căn bệnh “điếc có chủ ý”? Xin thưa, chúng ta vẫn phải tiếp tục trả lời, vì thực tiễn luôn vận động, vì sự diễn biến phức tạp của tình trạng này. Thẳng thắn và trung thực, nói như vậy mà làm thì khó thay! Nhưng nhất định phải làm. Trước hết là phải xây dựng được khối đoàn kết, thật sự dân chủ trong sinh hoạt đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Người đứng đầu đơn vị phải thật sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân, phải có con mắt tinh đời để nhận ra ai chân, ai giả, ai tạm thời im lặng vì cái chung, ai “ngậm miệng ăn tiền”? Khi anh không nói ra, không hẳn mọi người không biết, vì còn có một nhân chứng nữa, đó chính là lương tâm anh. Và điều không bao giờ cũ: Nghiêm túc tự phê bình và phê bình để nội bộ thật sự đoàn kết, hiểu nhau, tin nhau, hướng đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn, vì sự phát triển, vững mạnh của cơ quan, đơn vị; đồng thời cũng vì sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên.
HẢI ĐƯỜNG/QĐND