Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, hoạt động tôn giáo trên mạng xã hội ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, bên cạnh những hoạt động của các tổ chức, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đã xuất hiện những cá nhân, tổ chức hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp. Thực trạng này đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những vấn đề mới, đòi hỏi phải có lộ trình và chiến lược để giải quyết.
Việt Nam hiện có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; có 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 27 triệu tín đồ (chiếm khoảng 28% dân số cả nước), trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự(1). Trước sự phát triển như vũ bão của “cuộc sống số”, hoạt động tôn giáo trên không gian mạng là một trong lĩnh vực nhạy cảm mà các đối tượng phản động, chống phá luôn tận dụng, lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng với nhân dân…
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”(2).
Có thể nói, mạng xã hội đã và đang có sức ảnh hưởng to lớn đến việc thực hành đức tin tôn giáo cũng như việc tổ chức hoạt động của các tín đồ và tổ chức tôn giáo. Với lượng thông tin truyền tải lớn, sức lan toả nhanh, cách thức đa dạng, phong phú; không bị hạn chế về phạm vi không gian, thời gian cũng như số lượng người tham gia… nên việc khai thác, sử dụng mạng xã hội để “sinh hoạt tôn giáo online” được các cá nhân, tổ chức tôn giáo cả ở trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm, chú trọng thông qua các hình thức như: diễn đàn, hội thảo online; các nhóm kín; lập các Website, Facebook Fanpage, Zalo, Telegram, Instagram, Lotus, Mocha, Gapo, TikTok, Zoom, kênh Youtube…
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng có vai trò quan trọng trong phát huy những nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội, phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trên không gian mạng là vấn đề then chốt, quan trọng để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo thực sự đi vào đời sống xã hội.Như đã nêu ở trên, bên cạnh các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, thì trên không gian mạng hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều hoạt động mượn danh hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc giáo lý của các tôn giáo chính thống, truyền bá “tà đạo”, “đạo lạ” và những nội dung xấu đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Những hoạt động này không chỉ diễn ra ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài với nhiều nội dung, hình thức, tổ chức hội, nhóm khác nhau, trong đó có các đối tượng thù địch, phản động, chống phá. Bằng những thủ đoạn tạo hiệu ứng đám đông và “scandal” để thu hút sự theo dõi của người dân, các đối tượng xấu đã tiến hành thực hiện âm mưu tuyên truyền bài xích tôn giáo chính thống, tạo mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết dân tộc; bôi nhọ, nói xấu Đảng, Nhà nước và chính sách tôn giáo của Việt Nam. Đặc biệt, họ thường xuyên vu cáo chính quyền phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo nhằm kích động, chia rẽ trong nước và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế; phối hợp với các cá nhân, tổ chức quốc tế thiếu thiện chí để bịa đặt, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Những cái gọi là “Thanh Hải vô thượng sư”, “Ngọc phật Hồ Chí Minh”, “Hoàng Thiên Long”, “Văn hóa tâm linh vô sản Hồ Chí Minh”, “Ân điển cứu rỗi”, “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”… đều là những tổ chức hoạt động trái pháp luật của Nhà nước Việt Nam, vi phạm khoản 3, Điều 5 Luật tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; vi phạm điểm a, b tại khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên mạng xã hội hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập như: hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ các chế tài xử lý vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp và không hợp pháp trên không gian mạng chưa chặt chẽ; việc ngăn chặn, đấu tranh với các tôn giáo và hoạt động tôn giáo trái pháp luật trên không gian mạng còn bị động, xử lý thiếu kịp thời; công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về tôn giáo trên không gian mạng chưa được chú trọng đúng mức… Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế. Có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”(3).
Những tác động tiêu cực trên không gian mạng liên quan đến “tà đạo”, “đạo lạ”; các hoạt động mượn danh, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo cùng với sự tham gia, tương tác của không ít “tín đồ” là yếu tố phát sinh mới gây ra khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên không gian mạng.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động tôn giáo trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp để mọi người dân khi tham gia mạng xã hội nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, từ đó không tin theo “ tà đạo”, “đạo lạ”, tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử và Tạp chí Công tác tôn giáo; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự, chương trình tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo khi tham gia các trang mạng xã hội. Qua đó, khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về tình hình và công tác tôn giáo; đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu trên không gian mạng. Thường xuyên xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên hệ thống thông tin đại chúng và mạng xã hội. Phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tham gia tuyên truyền, đấu tranh, phản bác những hoạt động lợi dụng, mượn danh tín ngưỡng, tôn giáo để phát tán những quan điểm, nội dung lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện, thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng.
Trước mắt, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật an toàn thông tin mạng và Luật an ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Trung ương đến địa phương chủ động ban hành Chương trình công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đồng thời tăng cường kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các các nhân, tổ chức trên các trang mạng xã hội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác tôn giáo; xây dựng các giải pháp kỹ thuật mang tính chủ động, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên cơ sở các dự báo khoa học về sự phát triển của mạng xã hội và phương châm khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của mạng xã hội.
Ba là, tích cực, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trái pháp luật trên không gian mạng.
Chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan tuyên giáo, ngoại giao, báo chí truyền thông và các cơ quan chuyên trách trong việc tuyên truyền, thông tin về những vụ việc, đối tượng vi phạm để kịp thời định hướng dư luận, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và bạn bè quốc tế. Tăng cường các giải pháp đấu tranh ngăn chặn những âm mưu và hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, lợi dụng vấn đề tự do ngôn luận để kích động, bôi nhọ, chia rẽ đoàn kết tôn giáo trên không gian mạng.
Làm tốt công tác vận động, tranh thủ sự giúp đỡ của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo; quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo; định hướng hoạt động tôn giáo đảm bảo theo đúng đường hướng và phương châm hành đạo gắn bó với dân tộc và chấp hành pháp luật. “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận…”(4).
Phát huy vai trò tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự tham gia đông đảo của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân trên không gian mạng nhằm đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, lực lượng 47 trong quân đội; triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, thực hiện phương châm “an ninh chủ động”, kịp thời phát hiện, tấn công, vô hiệu hóa các trang mạng xã hội của những đối tượng lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, phá hoại chính sách đoàn kết quốc tế. Tăng cường các biện pháp đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng mạng xã hội để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng.
Tăng cường tính hiệu quả của các cơ quan chức năng trong vận động, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái về tự do tín ngưỡng, tôn giáo; làm tốt công tác quản lý, phối hợp với người Việt Nam ở nước ngoài để nắm về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Bốn là, phát huy vai trò của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh diễn ra trên không gian mạng. Duy trì quan hệ đối thoại với Tòa thánh Vatican về tình hình Công giáo tại Việt Nam; thường xuyên làm việc với Đại sứ Mỹ và Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam để trao đổi thông tin về tình hình, kết quả thực hiện pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo; cung cấp các thông tin chính thống, phục vụ đấu tranh nhân quyền với các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
Năm là, bảo đảm các quyền tự do tôn giáo được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sức “đề kháng” – không để bị kích động, lôi kéo bởi “tà đạo”, “đạo lạ” của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp đang hoạt động mạnh trên không gian mạng.
TG
____________________
(1) Bộ Nội vụ: Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (Kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ).
(2) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.50-51, 171.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t.II, tr.73.