“Rác” trong quảng cáo trực tuyến

Thời đại công nghiệp 4.0, quảng cáo trực tuyến đã, đang và ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu, khách quan của hầu hết các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, quảng cáo. Thời gian qua, hoạt động quảng cáo đã có bước chuyển biến mạnh mẽ từ hình thức quảng cáo “truyền thống” sang hình thức quảng cáo trực tuyến trên môi trường Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế và tiện ích (tính tương tác cao, hiệu quả tác động rộng rãi…) mà quảng cáo trực tuyến mang lại thì hình thức quảng cáo này cũng đang bộc lộ không ít bất cập, gây nên nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quản lý kinh tế của đất nước.

Ảnh minh họa.

Quá nhiều “Rác”, vi phạm trong quảng cáo trực tuyến

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số tổ chức, cá nhân phản động, chống đối trong và ngoài nước đã lợi dụng hoạt động quảng cáo trực tuyến để tiến hành các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam. Thủ đoạn phổ biến của bọn chúng là hình thành các hội, nhóm trên môi trường mạng để đăng tải, tán phát các bài viết có nội dung bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chèn nội dung quảng cáo để đánh lừa, thu hút sự chú ý, tương tác của cộng đồng mạng.

Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Youtube, Tiktok có dấu hiệu tạo điều kiện, cho phép các cá nhân, hội, nhóm mua các nội dung quảng cáo để đăng tải, tán phát các đoạn video, phim ảnh đã qua cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh của những người nổi tiếng, người có uy tín trong xã hội và lồng ghép nội dung quảng cáo các website cờ bạc, cá độ bóng đá, game bài xuyên biên giới có giao diện, tên miền bằng tiếng Việt được cắt ghép, quản lý bởi tổ chức nước ngoài.

Đáng chú ý, hoạt động lợi dụng sức hút, lượng người theo dõi đông của những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOLs) để quảng cáo trực tuyến diễn biến phức tạp. Nhiều hành vi của KOLs tiềm ẩn dấu hiệu vi phạm pháp luật: kinh doanh đa cấp, mua bán sản phẩm trái phép, kêu gọi đầu tư tiền ảo, trục lợi từ thiện… Trước sức hút của việc kiếm tiền dễ dàng từ quảng cáo trực tuyến của các KOLs, nhiều người đã tìm mọi cách để nổi tiếng trên mạng xã hội, thậm chí thực hiện cả hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các clip, video có nội dung phản cảm, đồi trụy, bạo lực, kích động bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng tiêu cực tới người xem, đặc biệt là giới trẻ.

 Chiêu trò mạo danh các y, bác sỹ có uy tín để quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng giả mạo, hàng cấm, hàng nhái, hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều trên môi trường mạng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, bất chấp việc gây nguy hiểm đến tinh thần, sức khỏe của người dùng. Thủ đoạn phổ biến của một số chủ tài khoản Youtube, Fanpage là đăng tải các video có nội dung cắt ghép hình ảnh, âm thanh, mạo danh y bác sĩ, người có uy tín trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe để tạo niềm tin, đánh lừa người tiêu dùng, thu lợi bất chính.

Mặt khác, trước sức hút từ việc sẵn sàng trả thù lao quảng cáo với số tiền rất cao của một số cá nhân, pháp nhân thương mại, một số ca sỹ, diễn viên, người nổi tiếng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã không giữ được hình ảnh, chạy theo sức hút của đồng tiền, sẵn sàng trở thành nhân vật trong các clip quảng cáo trực tuyến có nội dung sai sự thật, nói quá về chất lượng dịch vụ, hàng hoá, sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Đáng lên án nhất là những người này còn sẵn sàng đóng giả là bệnh nhân đã trải nghiệm, dùng thuốc trong thực tế để chữa khỏi bệnh cho dù bản thân họ không hề bị bệnh và chưa dùng thuốc đó bao giờ,

Đồng thời, lợi dụng việc nhiều người dân bị mất việc làm, hạn chế đi lại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các đối tượng xấu đã tán phát, quảng cáo các thông tin có nội dung xấu, độc, kêu gọi, lôi kéo tham gia hoạt động kiếm tiền thông qua các website cá cược, cá độ bóng đá, đánh bạc trực tuyến. Tán phát tin nhắn kêu gọi tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”, lừa đảo người dân đăng ký nộp tiền trên các nền tảng nhắn tin OTT như Zalo, Imessages, Telegram, Viber, Skype, Line.

 Nhiều hình thức quảng cáo mới dựa trên mỗi lượt xem trong các ứng dụng trò chơi trực tuyến, nổi lên như một xu thế mới của quảng cáo hiển thị cũng đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Việc người dùng có xu hướng thoải mái chấp nhận các nội dung quảng cáo trong ứng dụng di động tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin khi nhiều thông tin xấu, độc có thể được lồng ghép, sử dụng vào mục đích quảng cáo, xuyên tạc, bịa đặt… Đáng chú ý, các ứng dụng di động này đều được cung cấp miễn phí trên nền tảng xuyên biên giới (Google Play, Apple Store), trong đó chiếm phần lớn là các ứng dụng trò chơi trực tuyến chưa được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

 Nghiêm trọng hơn, các trang thông tin điện tử có tên miền gov.vn thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước, thời gian gần đây cũng đã bị các đối tượng xấu, tin tặc lợi dụng lỗ hổng bảo mật để tấn công, khai thác, chiếm quyền điều khiển hệ thống nhằm đăng tải, tán phát, chèn nội dung quảng cáo website cá độ, đánh bạc trực tuyến, mại dâm… Ngoài ra, các đối tượng còn lồng ghép nội dung quảng cáo vi phạm vào mục bình luận, đánh giá, hỏi đáp trên trang thông tin điện tử và sử dụng các công cụ, thủ thuật tăng tương tác, đánh giá tích cực các nội dung quảng cáo vi phạm để tăng khả năng hiển thị kết quả tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm phổ biến của Google, Bing, Yahoo.

Ngoài ra, hoạt động trốn thuế trong quảng cáo trực tuyến diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Mặc dù, ngày 29/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC quy định việc kê khai, nộp thuế đối với cá nhân, tổ chức có phát sinh thu nhập trên các nền tảng xuyên biên giới. Tuy nhiên, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện còn nhiều cá nhân, tổ chức chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định. Các đối tượng đã “lách luật” trong thực hiện giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng xuyên biên giới thông qua các tổ chức tín dụng quốc tế như Paypal, Western Union.

Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quảng cáo trực tuyến theo quy định pháp luật.

Những hành vi vi phạm trong hoạt động quản cáo nói chung và quảng cáo trực tuyến nói riêng cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, từ xử phạt vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định số 38/20221/NĐ-CP, ngày 29/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo với mức cao nhất lên đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân), 200 triệu đồng (đối với tổ chức). Nhóm các hành vi vi phạm bị xử phạt bao gồm: hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; vi phạm quy định về tiếng nói, chữ viết trong hoạt động quảng cáo; vi phạm các quy định về điều kiện quảng cáo; vi phạm các quy định về thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

 Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), với nội dung cụ thể như sau:

  1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, cá nhân, pháp nhân thương mại có hành vi trốn thuế trong hoạt động quảng cáo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù (đối với cá nhân) và 10 tỉ đồng (đối với pháp nhân thương mại) và có thể bị đình chỉ hoạt động quảng cáo vĩnh viễn.

Để tránh những hậu quả pháp lý không mong muốn, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo trực tuyến nói riêng, ngoài nắm vững các quy định nêu trên còn cần phải nghiên cứu nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, Luật An ninh mạng năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

DUY QUANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *