Sự thật về thông tin người K’Ho ở Lâm Đồng bị “cướp đất”

Hoàn toàn không có chuyện “người dân tộc K’Ho ở thôn Krèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị chính quyền cướp đất” hay “chính quyền cướp đất giao cho công ty…” như những thông tin mà tổ chức khủng bố, phản động “Việt Tân”, “Người Thượng Vì Công Lý”… đã đăng tải trong thời gian qua để lôi kéo, kích động người dân.

Gần đây, lợi dụng việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất để triển khai dự án xây dựng hồ thủy lợi Ta Hoét (thôn KRèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) nhằm mục đích cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt phục vụ người dân, nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức khủng bố, phản động như “Việt Tân”, “Người Thượng Vì Công Lý”… ra sức bóp méo sự thật, kích động bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong diện bị thu hồi đất chống đối, không chịu bàn giao mặt bằng, cản trở chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai dự án, gây ảnh hưởng tới ANTT tại địa phương.

Dự án hồ thủy lợi Ta Hoét có diện tích thu hồi khoảng 163ha, trong đó đất của người dân đang sử dụng là 96,7ha, diện tích còn lại thuộc suối, đường đi. Để thực hiện được dự án trên, nhà nước phải tiến hành thu hồi đất của 171 gia đình, trong đó có 108 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án được Trung ương bố trí nguồn kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành, hồ Ta Hoét có khả năng cung cấp nước tưới cho hơn 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc huyện Đức Trọng, đồng thời cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng nghìn gia đình, góp phần cắt lũ cục bộ từ thượng nguồn vào mùa mưa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Trước khi dự án được triển khai, trong vòng hai năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tiến hành vận động bà con, hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của dự án, đồng thời thống kê diện tích đất, hoa màu và các tài sản trên đất của bà con, lên phương án thu hồi và đền bù theo quy định của pháp luật. Phần lớn các gia đình có đất thuộc dự án đã nhận thức được trách nhiệm vì cộng đồng, ủng hộ việc triển khai dự án, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, vẫn còn số ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số không chịu nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng. Bà con cho rằng, tỉnh Lâm Đồng làm dự án khi chưa có sự cho phép của Trung ương. Tuy nhiên, thực tế dự án hồ chứa nước Ta Hoét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện tại Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020. Dự án này thuộc nhóm B, quy định tại Điều 9, Luật Đầu tư công năm 2019. Vì vậy, quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng công trình là đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình trong vùng bị ảnh hưởng phản ánh, giá đất nhà nước đền bù để thực hiện dự án thấp hơn giá thị trường. Trước kiến nghị của bà con, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, cân nhắc lợi ích hài hòa giữa nhân dân và nhà nước. Đến nay, giá bồi thường, hỗ trợ bình quân cho các hộ dân tại khu vực này đã tăng lên khoảng 40% so với giá cũ, dao động khoảng từ 290 – 471 triệu đồng/sào tùy từng vị trí.

Trong đó, giá trị bồi thường các thửa đất có vị trí thuận lợi sẽ cao hơn so với các vị trí không thuận lợi nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các chủ sử dụng đất và phù hợp với giá trị canh tác thực tế. Ngoài ra, theo quy định, các tài sản nằm ngoài ranh giới thu hồi (đường điện, ống tải nước…) để thực hiện dự án sẽ không được bồi thường nhưng chính quyền địa phương cũng đã xem xét, giải quyết bồi thường hỗ trợ đối với nội dung này cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Với mong muốn bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng bị thu hồi đất để triển khai dự án phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội có đời sống tốt hơn hiện nay, UBND huyện Đức Trọng đang xây dựng khu tái định canh với diện tích 48ha tại xã Hiệp An để cấp cho những gia đình đủ điều kiện theo quy định. Khu vực này được đầu tư xây dựng đường giao thông, điện lưới quốc gia để người dân thuận tiện viện canh tác, sản xuất.

Cùng với đó, nhằm tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định kinh tế cho những gia đình bị ảnh hưởng do thu hồi đất để triển khai dự án, chính quyền địa phương cũng đã làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện Đức Trọng để rà soát nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề theo nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi tại dự án. Đến nay, có 21 lao động đã được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương ổn định. Việc đào tạo nghề cho các trường hợp khác và công khai thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục được thực hiện, niêm yết công khai tại hội trường thôn KRèn, xã Hiệp An để người dân có nhu cầu đăng ký.

Trên thực tế, vị trí đất thu hồi để thực hiện dự án hồ thủy lợi Ta Hoét, huyện Đức Trọng nằm ở khu vực trũng, thấp, bao quanh là rừng, có một con suối chảy qua. Hằng năm, khu vực này thường xuyên xảy ra cảnh ngập úng do nước lũ từ thượng nguồn con suối đổ về. Do vậy, phần lớn dải đất hai bên bờ suối chỉ canh tác được một vụ (mùa khô) nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp đem lại không cao.

Có thể thấy, việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng hồ thủy lợi Ta Hoét nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội đã đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Người được hưởng lợi trực tiếp khi dự án này đi vào hoạt động chính là bà con nhân dân trong vùng. Do đó, hoàn toàn không có chuyện “người dân tộc K’Ho ở thôn Krèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị chính quyền cướp đất” hay “chính quyền cướp đất giao cho công ty…” như những thông tin mà tổ chức khủng bố, phản động “Việt Tân”, “Người Thượng Vì Công Lý”… đã đăng tải trong thời gian qua để lôi kéo, kích động người dân.

TTVC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *