SỰ THẬT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM ĐẬP TAN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC!
Là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng nên trong những năm qua, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam thường xuyên bị các thế lực xấu lợi dụng để chống phá bất chấp nỗ lực và thành tựu của Đảng, Nhà nước ta trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho Nhân dân Việt Nam. Trong đó, một trong những luận điệu mà chúng thường xuyên tạc là: “Trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam, tôn giáo hoàn toàn không có tự do; Việt Nam đang bị thế giới lên án là không có tự do tôn giáo”… Sự thật thì sao?
Sự thật là, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, Việt Nam đã 4 lần sửa đổi Hiến pháp, song quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vẫn luôn được thể hiện nhất quán và khẳng định trong các Hiến pháp như một giá trị của chế độ xã hội mới, phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển đất nước cũng như thực tiễn hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, thể chế hóa quy định trong Hiến pháp. Năm 2016, Quốc hội Khoá XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 30/12/2027, Chính phủ ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ngày 29/12/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Cùng với đó, quyền tự do tôn giáo của công dân còn được ghi nhận trong Bộ Luật Hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Dân sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật đất đai, Luật Giáo dục... Đây chính là minh chứng cho thấy hệ thống pháp luật về hoạt động tôn giáo ngày càng được bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện, bảo đảm việc thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam…
Sự thật nữa là, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm trong thực tiễn đời sống; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc; tôn vinh những người có công với đất nước và Nhân dân; không ngừng chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào tôn giáo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính, làm tròn bổn phận của công dân, phát huy nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Minh chứng là, từ 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, 17 triệu tín đồ, với 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự (năm 2003) lên đến 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với hơn 27 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước), trong đó có trên 54.000 chức sắc, 135,5 nghìn chức việc; trên 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 54.000 cơ sở tín ngưỡng (vào tháng 5/2024).
Một sự thật nữa là, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo được Nhà nước quan tâm và hỗ trợ. Tháng 7/2023, Việt Nam – Tòa thánh Vatican đã nâng cấp quan hệ lên cấp có Đại diện thường trú tại Việt Nam, đồng thời thông qua việc ký Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng đại diện thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong năm 2023, có hơn 300 lượt đại diện cho các tổ chức tôn giáo đã tham gia vào các diễn đàn, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo tại nước ngoài. Gần 400 lượt người nước ngoài vào nước ta tham gia các hoạt động tôn giáo. Nhiều sự kiện tôn giáo lớn đã được tổ chức tại Việt Nam, như: Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu tổ chức tại giáo phận Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình. Các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương” tại Thành phố Hồ Chí Minh… Những sự kiện này đã góp phần quảng bá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Có thể thấy, chỉ khi thực hiện tốt vai trò là quốc gia thành viên có trách nhiệm của các công ước quốc tế về nhân quyền thì “Việt Nam được bạn bè quốc tế đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và Liên hợp quốc như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 – 2025”…
Những sự thật trên phản ánh chính xác, đầy đủ tình hình, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời chính là bằng chứng đanh thép đập tan những luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị.
An Xuân