Suy ngẫm vấn đề ngày càng nhiều thanh thiếu niên phạm tội

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án hình sự do những thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ gây ra đã để lại những hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Báo chí đưa tin nhanh chóng, thu hút đọc giả với rất nhiều bình luận về vấn đề đạo đức xã hội, tội phạm đang dần trẻ hóa. Nhưng liệu có ai trăn trở để nhìn nhận các vụ án do thanh thiếu niên gây ra xuất phát từ nguyên nhân nào hay không?

Ảnh minh họa

Nhìn xung quanh, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên bây giờ đều có một chiếc điện thoại di động thông minh. Nó như con dao hai lưỡi: Người tận dụng được những thành tựu khoa học – công nghệ mang lại sẽ giúp việc học tập, tiếp cận tri thức để đi đến con đường thành công; người bị lôi cuốn vào những trào lưu “trending” (thịnh hành) có tính chất bạo lực, kích động, lôi kéo nhưng khi tâm lý, bản lĩnh của bản thân chưa đủ để phân biệt đúng sai, chỉ biết cuốn theo các trào lưu để thể hiện cái tôi “ngông cuồng”. Có thể thấy các vụ án giết người do thanh thiếu niên gây ra đều xuất phát từ cái tôi “ngông cuồng” đó, một phút bốc đồng, không cân nhắc hậu quả đã để lại một “vết sẹo lớn” trong cuộc đời những “đứa trẻ” này.

Chắc hẳn mọi người đều trải qua những năm tháng ngồi trên hàng ghế nhà trường nên có thể nhìn thấy vấn đề giáo dục tâm sinh lý cho trẻ vị thành niên ở các trường học hiện nay còn những hạn chế mặc dù đã được các cơ quan, ban ngành quan tâm. Kiến thức, tri thức các em học được rất nhiều từ nhà trường, sách vở và các nguồn khác nhưng kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống đối với các em hầu như chưa được định hướng cụ thể, rõ ràng. Câu nói truyền miệng “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” đang được các em truyền miệng nhau như cách để thể hiện cái tôi của bản thân mình – nhưng theo một ý nghĩa tiêu cực, đó chính là vấn đề mà xã hội cần có lời giải đáp.

Với lối sống hiện đại, nhịp sống nhanh, cha mẹ, phụ huynh đang giao phó trọng trách dạy dỗ, uốn nắn phát triển con mình cho “những người khác”. Thời đại này tiền bạc, vật chất không thể gọi là quá thiếu thốn như trước, nhưng cái mà các em đang thiếu ở đây chính là sự quan tâm, đồng hành của gia đình, của các bậc cha mẹ. Nhiều đứa trẻ đã cố tình vi phạm pháp luật chỉ để có được sự chú ý từ cha mẹ nhưng đổi lại chúng nhận được là những lời trách móc, mắng nhiếc. “Con sai rồi nhưng ba/mẹ sẽ cùng con khắc phục, sửa chữa sai lầm đó nhé”- có lẽ đây là câu nói mà rất nhiều thanh thiếu niên muốn nghe từ cha mẹ chúng.

Để hạn chế tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, cần có sự chung tay vào cuộc của cả xã hội để nâng cao “sức đề kháng” cho thanh thiếu niên. Đã đến lúc chúng ta cần gắn kết mô hình: Gia đình – nhà trường – xã hội nhằm định hướng cho những mầm xanh được vươn mình đúng cách.

Nguyễn Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.