Tăng cường quản lý, kiểm soát quảng cáo xuyên biên giới

Những bất cập của hoạt động quảng cáo trên nền các nền tảng xuyên biên giới thời gian qua đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, đòi hỏi được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nghị định 70-NÐ/CP do Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 15/9/2021) đã trực tiếp điều chỉnh một số hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa môi trường không gian mạng, tạo cơ hội bình đẳng cho các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo.

Ảnh minh họa.

Quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lựa chọn bởi đây được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Theo báo cáo VietNam Digital Marketing Trends 2021 (Xu hướng marketing số Việt Nam năm 2021) thực hiện bởi NOVAON (Công ty về quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử, chuyển đổi số) và nhiều chuyên gia marketing, thì khảo sát 167 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu 500 tỷ đồng/năm cho thấy quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh, mức tăng trưởng kép hằng năm (CARG) là 21,5%. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng có phần chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến vẫn đạt 820 triệu USD, dự báo năm 2021 đạt 955,7 triệu USD. Trong đó 80% tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang thuộc về Facebook, Google.

Tuy vậy, theo dõi mạng xã hội trong thời gian gần đây, nhiều người đã không khỏi ngán ngẩm trước sự xuất hiện tràn lan của hàng loạt clip quảng cáo về vô số “thần y”, “thần dược” có khả năng trị bách bệnh hoặc những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng giá trị và công dụng lại được tâng bốc lên tận mây xanh, khiến cho không ít người tiền mất tật mang.

Thậm chí, nhiều mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật như tiền giả, game lậu, vũ khí, chất kích thích,… vẫn xuất hiện và ngang nhiên rao bán công khai trên mạng. Nguy hiểm hơn, một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải quảng cáo kèm những nội dung phản cảm, độc hại, vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm chủ quyền quốc gia, chống phá Ðảng, Nhà nước.

Ðiều đáng nói là dù đạt doanh thu khủng, lợi nhuận lớn song một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam lại đang hoạt động không tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Việc xử lý sai phạm cũng gặp khó khăn bởi sự phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp trong hoạt động quảng cáo, trong khi các quy định pháp luật còn thiếu đồng bộ, chưa cập nhật để theo kịp với diễn biến thực tế. Công tác tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, trực tiếp cần nhanh chóng được xử lý, giải quyết.

Nhằm kịp thời điều chỉnh các bất cập, ngày 20/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70-NÐ/CP (Nghị định 70) sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NÐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Trong các điểm mới của Nghị định 70 vừa ban hành, nổi lên ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, Nghị định xác định rõ phạm vi của hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Ðó là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam (Ðiều 13 Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam). Các đối tượng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế. Ðây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xác định rõ nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Bởi thực tế lâu nay một số tổ chức, cá nhân có hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam nhưng đăng ký kinh doanh và sử dụng hệ thống thiết bị dịch vụ ở nước ngoài, coi đây là sở cứ để không chịu sự ràng buộc của pháp luật Việt Nam. Từ đó gây không ít khó khăn cho cơ quan quản lý trong khi kiểm soát và xử lý trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân này trong quá trình hoạt động, trong đó có nghĩa vụ thuế, gây thất thu cho ngân sách quốc gia. Ðồng thời Nghị định 70 cũng tháo gỡ những vướng mắc cho một số cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Chẳng hạn, trước đây, tại khoản 2 Ðiều 13 Nghị định 181/2013/NÐ-CP yêu cầu các tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quy định này phần nào chưa sát với thực tế, còn mang tính hình thức, vì ước tính trên thực tế chỉ khoảng 30% doanh thu quảng cáo trên Facebook và 45% trên Google được thực hiện thông qua đầu mối các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo hợp pháp tại Việt Nam. Trong khi đó, 70% doanh thu quảng cáo trên Facebook và 55% quảng cáo trên Google do các khách hàng ở Việt Nam trực tiếp liên hệ với hai nền tảng trên.

Nếu cứng nhắc thực hiện theo quy định này sẽ làm khó cho nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng như cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát. Theo quy định mới tại Nghị định 70, nội dung này đã được bãi bỏ. Thay vào đó, đặt ra yêu cầu đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo ở trong nước, và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo.

Thứ hai, Nghị định 70 xác định Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam (khoản 4, Ðiều 13). Do đó mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam trong vòng 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh phải gửi thông báo trực tiếp, hoặc qua đường bưu chính, hoặc qua phương tiện điện tử đến Bộ Thông tin và Truyền thông. Ðiểm mới này của Nghị định 70 được dư luận đồng tình. Vì theo quy định trước đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trong phạm vi cả nước, còn Bộ Thông tin và Truyền thông được xác định là đơn vị có liên quan, thực hiện quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật.

Sự phân công phân nhiệm có phần chưa hợp lý này đã dẫn đến việc xây dựng, thực thi chính sách quản lý về quảng cáo xuyên biên giới trong thời gian qua thiếu thống nhất và đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Việc chuyển đổi việc cấp phép hoạt động dịch vụ quảng cáo về đầu mối Bộ Thông tin và Truyền thông theo Nghị định 70 là hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhờ vậy triển khai thực hiện sẽ nhất quán, đồng bộ, bảo đảm yêu cầu thực thi.

Ðiểm mới quan trọng thứ ba của Nghị định 70 liên quan việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam. Cụ thể, “Ðiều 14. Trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới” quy định: trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; đồng thời có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ. Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật. Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Những quy định mới này của Nghị định 70 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như các vấn đề thực tiễn, đồng thời được đánh giá là khá quyết liệt, cứng rắn, nếu triển khai thực hiện sẽ phát huy tác dụng trong việc chấn chỉnh môi trường quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới vốn đang có khá nhiều bất cập, mạnh ai nấy làm như hiện nay. Cần thấy rằng, việc kiên quyết, kịp thời, nhanh chóng xử lý các sai phạm như vậy sẽ góp phần hạn chế thấp nhất các bất cập, thiệt hại có thể xảy ra, nhất là quảng cáo có nội dung độc hại. Tuy nhiên, sẽ có một sức ép không nhỏ với cơ quan chức năng cũng như các bên liên quan trong nỗ lực xử lý sai phạm trong thời gian 24 giờ như Nghị định đề ra.

Bởi hiện nay vẫn còn không ít rào cản đang đặt ra như: hạ tầng kỹ thuật, công nghệ của các bên, việc tiếp nhận thông tin, phối hợp xử lý vướng mắc giữa các bên trong điều kiện khác nhau về ngôn ngữ và chênh lệch múi giờ… Vì vậy để thời hạn 24 giờ có thể thực hiện, cần có thêm hướng dẫn, quy định cụ thể hơn nữa. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng cần có thái độ hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng. Chỉ như vậy Nghị định 70 mới có thể thực sự phát huy hiệu quả trên thực tiễn, hạn chế được các nguy cơ xung khắc có thể xảy ra.

Mong rằng với sự minh bạch, thiện chí, cùng hướng tới điều tốt đẹp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng, môi trường quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới tại Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng của Việt Nam để sớm lành mạnh hóa môi trường mạng, đáp ứng nhu cầu, sự trông đợi của cộng đồng.

ÐÔNG Á/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *