Tự chủ trước “lằn ranh đỏ” thông tin

Xưa kia thông tin sai sự thật do “mõ làng” loan ra thường chỉ trong một vài làng hay một vài thôn. Phạm vi nhỏ thế thôi, nhưng hậu quả cũng đủ gây hại cả một đời người, hay đôi khi là cả một dòng họ. Nay mạng xã hội bùng nổ, ảnh hưởng của “mõ làng” cũng vì thế vượt tầm thôn, xã… với cấp độ gieo rắc hậu quả tỷ lệ thuận.

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số bài viết chia sẻ không ít thông tin thiếu kiểm chứng liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, những ngày qua, dư luận xã hội rất quan tâm đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, thì không ít thông tin trên mạng xã hội cũng bị bóp méo. Thông tin xấu độc, thiếu kiểm chứng cứ như con virus mang mầm bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội gây ra rất nhiều hệ lụy, thật-giả lẫn lộn.

Thực tế, không ít người dùng mạng xã hội đã không phân định được thông tin thật-giả mà nhấn like mắc bẫy của những “nghệ sĩ bàn phím”. Họ không ý thức được rằng, những lần nhấn like dạo, share vô tội vạ đang cổ súy cho hoạt động buôn bán bất chính; “đánh hội đồng” cá nhân; hay cổ vũ cho những trào lưu phản cảm, rác văn hóa như “văn hóa giang hồ”; nặng hơn đó là việc tạo ra các “làn sóng” gây bất ổn về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các chuyên gia an ninh mạng đã vạch trần thủ đoạn của không ít tổ chức, cá nhân đang dùng thủ đoạn tinh vi thông qua mạng xã hội tạo ra lằn ranh rất mong manh giữa thật với giả để càng có nhiều người mắc bẫy thì càng dễ trục lợi hay dẫn dắt dư luận xã hội; gây ra những hệ lụy trong cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, ý đồ xa hơn là gây bất ổn, bắt đầu chính từ… mạng xã hội.

Một học giả chia sẻ, nếu không sớm kiểm soát thì các nhóm lợi ích sẽ kiểm soát và dẫn dắt một bộ phận người trong xã hội thông qua mạng xã hội; tạo ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa tinh thần xã hội; gây chia rẽ các nhóm người; gieo rắc tâm lý hoài nghi, mất phương hướng, mơ hồ ở một số bộ phận người sử dụng mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra là vì sao dân trí ngày càng cao, tỷ lệ người được học tập ngày càng nhiều, nắm được pháp luật mà vẫn không đủ sự tỉnh táo để nhận biết, phân biệt được sự thật-giả của thông tin? Có thể còn nhiều tranh luận khác nhau, song trước tiên, mỗi cá nhân phải tự làm giàu tri thức để làm chủ trước lằn ranh đỏ thông tin thật-giả; biết tự sàng lọc thông tin; có ý thức và văn hóa sử dụng mạng xã hội; lan tỏa những giá trị tích cực, hành vi đẹp; chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị cao đẹp, tích cực.

NGUYỄN HÒA/QĐND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *