Tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật!

Tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đoàn kết toàn dân, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”…

Trên thực tế, tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm. Ước tính khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có hơn 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, 16 tôn giáo với 43 tổ chức được Nhà nước công nhận, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo – Tam Tông Miếu, Bàlamôn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn và Bửu Sơn Kỳ Hương, với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. Mỗi năm có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Tuy nhiên, tự do tín ngưỡng, tôn giáo không có nghĩa là hoạt động của tôn giáo nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm 1966) nêu rõ: Mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Điều đó có nghĩa là, không chỉ riêng tại Việt Nam mà tại các quốc gia trên thế giới, các loại hình tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác,… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Việc thời gian qua, các tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng tôn giáo, biến tôn giáo thành công cụ, phương tiện để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, chống phá hòng lật đổ Nhà nước Việt Nam chỉ cho thấy bản chất phản động, thù địch của các tổ chức, cá nhân này đối với Việt Nam nói riêng, đi ngược lại nguyên tắc và luật pháp quốc tế nói chung mà thôi. Chúng cần phải bị lên án manh mẽ!

M.A

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.