Phản bác luận điệu xuyên tạc chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Lợi dụng việc Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng xấu đã đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều thông tin, luận điệu xuyên tạc, sai trái nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, gây phân tâm trong dư luận.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ảnh: TTXVN)

Những luận điệu suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ

Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và bế mạc vào chiều ngày 10/5. Hội nghị đã tập trung nghiên cứu, đánh giá, thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng  như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cho ý kiến về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên… Đặc biệt, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tuy nhiên, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên một số diễn đàn Internet, mạng xã hội, các đối tượng xấu, phần tử phản động đã đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin tiêu cực, sai trái, xuyên tạc, suy diễn chủ trương của Đảng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, gây phân tâm trong xã hội.

Luận điệu mà các đối tượng này đưa ra đó là: “Tham nhũng tại Việt Nam như một con virus ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới”; việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chứng tỏ công tác chống tham nhũng ở Việt Nam “không hiệu quả”, “không có chuyển biến”; “Việt Nam chống tham nhũng loay hoay như con kiến đa cành”… Một số đối tượng thì đặt ra những câu hỏi theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như: “thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh/thành có giúp xóa được tham nhũng?”, “việc trao quyền cho Bí thư tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải chăng là sai lầm khi tập trung quyền lực quá nhiều cho Bí thư tỉnh?”… Cá biệt, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, chính quyền sinh ra tham nhũng rồi lại thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thực sự chỉ để “làm khổ người dân”. Đây rõ ràng là những luận điệu suy diễn, xuyên tạc vô căn cứ nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Chủ trương của Đảng được hiện thực hóa bằng những bước tiến trong công tác phòng chống tham nhũng

Trước hết cần khẳng định rằng, tham nhũng không phải là “sản phẩm riêng” của Việt Nam hay của một nước nào mà nó diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, là một vấn nạn mang tính toàn cầu. Tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, xuất hiện gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và sự xuất hiện nhà nước. Tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực. Do đó, tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ xã hội với những biểu hiện và mức độ khác nhau, tùy thuộc bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn phát triển.

Ở Việt Nam, Đảng ta khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng. Đảng ta xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì vậy, đây không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Trong bối cảnh tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa bị đẩy lùi và còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết vào lúc này, thể hiện quyết tâm cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.

Thực tế cho thấy, vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở cấp Trung ương mà xảy ra từ cấp xã đến huyện, tỉnh. Do đó, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” mà còn được xem như là “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Đồng thời, giúp cho công tác đấu tranh chống tham nhũng liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Kể từ khi được thành lập năm 2006, đặc biệt là từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chẳng những vậy mà kết quả điều tra dư luận xã hội về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam do Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện) vào cuối tháng 8/2020 cho thấy, có 75% số người được hỏi ghi nhận và đánh giá cao “sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước”; có 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 32.000 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong đó, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý. Điều đó cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang đi đúng hướng và được thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao nhất.

Thêm một “cánh tay nối dài của Trung ương” về phòng chống tham nhũng

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng được thành lập lần này sẽ hoạt động trên các quy định, quy chế  cụ thể. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một lĩnh vực khó, nhạy cảm và cần quyết tâm chính trị rất cao nên thành phần Ban Chỉ đạo phải gồm những người đứng đầu ở cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức hữu quan giữ vai trò trọng yếu ở địa phương. Trưởng Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương. Nếu người đứng đầu các địa phương thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác này sẽ đi vào thực chất, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân. Ngược lại, nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý.

 Như vậy, qua phân tích, đánh giá, có thể thấy rõ rằng, những luận điệu suy diễn, xuyên tạc chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII thông qua của một số cá nhân, tổ chức thực chất là nhằm bôi nhọ, hạ thấp danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam; phủ nhận quyết tâm, nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta.

Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận được sự đồng thuận rất cao. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”./.

(ĐCSVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *