THÀNH TỰU VỀ CÔNG TÁC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài viết xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, điển hình là bài viết “Đấu tranh bất bạo động” được đăng tải trên trang Việt Nam Thời Báo. Nội dung bài viết cho rằng “Cho tới nay chính quyền Việt Nam vẫn dùng bạo lực đối phó với những người bất đồng quan điểm bằng cách đàn áp, bỏ tù, tra tấn hay quản thúc tại gia”;… và “Chính quyền cộng sản Việt Nam vi phạm trầm trọng quyền con người…”. Đây rõ rằng là những luận điệu hoàn toàn vu cáo, bịa đặt, sai trái nhằm xuyên tạc việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, ngay từ khi thành lập (02/9/1945), Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn đặt quyền tự do, dân chủ của công dân lên hàng đầu và quyền này được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể tại Điều 15, Hiến pháp 2013 quy định rõ: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Công dân Việt Nam được đảm bảo về nhân quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo… Nếu tổ chức, cá nhân có mục đích xấu, động cơ không trong sáng, viện cớ về quyền tự do dân chủ, nhân quyền nhưng lại chà đạp lên quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước thì đều phải chịu các chế tài xử phạt tương ứng.
Với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm, ưu tiên phát triển con người và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua để thúc đẩy và bảo đảm nhân quyền. Nhiều thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các tổ chức của Liên hợp quốc đánh giá cao. Việt Nam xứng đáng với vị trí là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Việt Nam tích cực tham gia và chủ trì các nghị quyết đề cao Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, biến đổi khí hậu và quyền con người… từ đó có nhiều đóng góp thiết thực đối với hoạt động của Liên hợp quốc. Việt Nam luôn cầu thị và nỗ lực làm tốt hơn trong vấn đề bảo đảm nhân quyền cho mọi người dân. Do đó, không có chuyện “Chính quyền Việt Nam vẫn dùng bạo lực đối phó với những người bất đồng quan điểm bằng cách đàn áp, bỏ tù, tra tấn hay quản thúc tại gia” như những gì các thế lực đã rêu rao, vu cáo, xuyên tạc.
Tóm lại, từ minh chứng cụ thể là việc Việt Nam được bầu chọn làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như những nỗ lực, thành tựu về kinh tế – xã hội đã đạt được của Việt Nam và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đã trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cố tình phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.
QUỐC SÁCH