Tự do tôn giáo không có nghĩa là được đứng trên pháp luật!
Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của nhân dân. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đại hội lần thứ XIII Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”.
Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Về cơ bản các tín đồ thuộc các tôn giáo chung sống hòa thuận, tuân thủ pháp luật và đạo đức bên cạnh giáo lý của mình, có đóng góp tích cực, thiết thực cho xã hội, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có không ít kẻ chuyên núp bóng tôn giáo để phá hoại, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không những thế, chúng còn cấu kết với đám phản động trong và ngoài nước tuyên truyền lật đổ chế độ và chính quyền nhân dân, làm những điều đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc… Những cái tên như Đặng Hữu Nam, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Duy Tân, Đinh Hữu Thoại… là những ví dụ điển hình. Ngoài ra, còn phải kể đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng với việc làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Giữa lúc tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bất chấp những chỉ thị, khuyến cáo của cơ quan chức năng, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng vẫn ngang nhiên tụ tập hoạt động, không chấp hành quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh cho nhiều người, phá hoại nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo cớ để các thế lực thù địch quy chụp, công kích chế độ và tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.
Cần khẳng định lại một lần nữa là Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tuy nhiên mỗi tín đồ tôn giáo trước hết là một công dân với đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm như bất kỳ người dân nào khác. Không ai kỳ thị hay ngăn cấm các tôn giáo hoạt động nhưng tín ngưỡng, tôn giáo không bao giờ được đứng trên pháp luật, đứng cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc!
M.A.