THỜ Ơ CHÍNH TRỊ – CĂN BỆNH HẾT SỨC NGUY HIỂM
Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Nhìn chung đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Tuy nhiên, “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân”.
Qua gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và gần 2 năm thực hiện Kế hoạch số 36-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao; trong đời sống sinh hoạt hàng ngày luôn trăn trở, sáng tạo, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để đáp ứng những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cán bộ, đảng viên đều quán triệt, thực hiện tốt phương châm: tất cả vì sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của nhân dân góp phần quan trọng quyết định đến thành công trong phòng chống dịch, ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thờ ơ chính trị, vô cảm, thiếu trách nhiệm, chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, như: suy nghĩ hẹp hòi, thái độ dửng dưng, làm ngơ, không quan tâm đến những sự kiện, sự việc diễn ra của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như trước khó khăn, bức xúc, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; sống ích kỷ, vun vén cá nhân, kèn cựa, đố kỵ, có những hành vi trái đạo đức, lương tâm của con người; tranh công, đổ lỗi, không trung thực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc thì “được chăng hay chớ”, “dân có cần, nhưng quan không vội”, “khó người dễ ta”, hoặc rơi vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mối nguy hại của căn bệnh “thờ ơ chính trị, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất lớn. Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho nhân dân thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nắm bắt và phản hồi thông tin từ Nhân dân để Đảng, Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh, bổ sung và đưa ra những quyết sách bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. “Thờ ơ chính trị, vô cảm, thiếu trách nhiệm” còn là căn nguyên gây mất đoàn kết, mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương dẫn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, gây hại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Chính thái độ này dẫn đến thói ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, kèn cựa địa vị, quan liêu, bao biện, phô trương, lãng phí, tự tư, tự lợi, tham nhũng, tiêu cực không quan tâm đến công việc được giao; thậm chí bỏ mặc, né tránh khi được giao nhiệm vụ mới, khó khăn; hoang mang dao động trước những khó khăn, thách thức tác động đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình,… Điều này gây nguy hại rất lớn đến xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức, nếu để kéo dài, không khắc phục kịp thời sẽ làm chuyển hóa từ bên trong nội bộ từng tổ chức. Đây còn là căn bệnh “quái ác” làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, hết sức nguy hiểm cần phải lên án, giáo dục, cảm hóa, chữa trị triệt để để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
NVS