“THUỐC ĐẮNG DÃ TẬT”: CÀNG KHÓ KHĂN CÀNG PHẢI NỖ LỰC, QUYẾT TÂM!
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”… Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đó thì một trong những giải pháp quan trọng chính là “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu trong nhóm các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định tại Hội nghị lần thứ 4. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí trong phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên hiện nay là vô cùng cần thiết và quan trọng. Bởi chỉ có như vậy mới góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, giúp từng cán bộ, đảng viên giữ vững tư cách, phẩm chất người đảng viên cộng sản.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Theo Người, phê bình và tự phê bình như là một nhu cầu tự nhiên như: “… ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn…” và “Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác…”. Thông qua việc tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ, trưởng thành góp phần xây dựng tổ chức, tập thể vững mạnh. Đây là nhiệm vụ vô cùng nhân văn và hữu ích. Song thực tế cho thấy, với không ít người sau khi đối mặt với phê bình, chỉ trích, danh dự, uy tín bị ảnh hưởng đã sa sút ý chí phấn đấu, giảm sút tinh thần, thậm chí có những hành động sai trái, “oán ghét”, tìm cách “trả đũa”… Như thế, để thấy cuộc đấu tranh phòng ngừa và “điều trị” những “căn bệnh” trong đảng là khó khăn và phức tạp muôn bề. Dù vậy, như ông bà ta đã dạy: “Thuốc đắng dã tật”, càng khó khăn càng phải nỗ lực, quyết tâm!
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 1/2023) đến tháng 5/2023, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ án/2.411 bị can, khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can; vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi, chỉ đạo khởi tố mới 4 vụ án/ 24 bị can, khởi tố thêm 11 vụ án/78 bị can, kết thúc điều tra 3 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 8 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 6 vụ án/51 bị cáo; cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên; chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.1.46 cá nhân… Những con số trên thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn, góp phần rất quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng ta; góp phần cảnh báo, răn đe, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của Đảng và hệ thống chính trị; làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh hơn; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. Đây cũng là nguồn động lực to lớn để Đảng ta tiếp tục nêu cao quyết tâm chính trị tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
M.A.