Lợi dụng không gian mạng để chống phá – thủ đoạn cũ, tác hại mới

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự đa dạng các nền tảng mạng xã hội đã biến không gian mạng thành một thế giới ảo rộng lớn, nơi con người ở các quốc gia có thể gặp gỡ giao lưu với nhau mà không cần phải di chuyển hay lo ngại về ngôn ngữ bất đồng. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các tổ chức phản động trong và ngoài nước lợi dụng để chống phá nước ta với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, không còn theo các quy luật truyền thống như thay vì các đối tượng phải sang một nước thứ ba để tập huấn về bất bạo động, nhận hỗ trợ tài chính và dễ dàng bị lộ, bị bắt khi về nước thì ngày nay, thông qua mạng xã hội, các đối tượng dễ dàng nhận tài liệu, tham gia các lớp tập huấn, nhận nhiệm vụ tại các hội, nhóm kín…

Đặc biệt, trong thời gian qua, nhằm chuyển hoá chế độ chính trị của Việt Nam, các tổ chức phản động đã tiến hành xây dựng nhiều kịch bản như “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. Chúng tập hợp lực lượng theo lộ trình “3 giai đoạn”, mục tiêu sẽ công khai hóa tổ chức chính trị, lực lượng đối lập trong nước vào thời gian thích hợp. Để thực hiện mục tiêu này, chúng triệt để sử dụng không gian mạng như một kênh chính thức và quan trọng nhất để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đồng thời khuếch trương thanh thế để thu hút, tập hợp lực lượng thực hiện phương thức đấu tranh bất bạo động. Chúng đề ra kế hoạch “Nong xích trên mạng”, thành lập “Mặt trận công luận” nhằm huy động tất cả các thành viên, thân hữu và các đối tượng chống đối khác sử dụng không gian mạng hoạt động chống phá Việt Nam. 

Ngoài ra, để thực hiện âm mưu chống phá, các tổ chức phản động còn triệt để sử dụng các tính năng có sẵn trên Internet và mạng xã hội như: Sử dụng tính năng comment (bình luận) của mạng xã hội để tạo dư luận trái chiều, qua đó thu thập thông tin, tuyên truyền, kích động chống phá; sử dụng tính năng khảo sát xã hội của dịch vụ web, blog, tổ chức lấy ý kiến cư dân mạng với nội dung xuyên tạc bản chất chế độ chính trị Việt Nam; tổ chức nhiều cuộc thi có thưởng trên mạng xã hội với nội dung phá hoại tư tưởng được lồng ghép tinh vi, lôi kéo nhiều học sinh, sinh viên, người dân tham gia; phổ biến nhất là sử dụng “tuyệt chiêu” cóp nhặt thông tin từ các trang chính thống trong nước, từ nguồn nội bộ có liên quan rồi cắt, ghép, pha trộn biến thành những thông tin xấu, độc nhằm tác động mạnh đến tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ ta…

Có thể thấy, việc đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng không gian mạng để chống phá nước ta là một cuộc chiến rất cam go, nhạy cảm và phức tạp; không những liên quan đến sinh mệnh chính trị của người tham gia đấu tranh mà còn liên quan đến sự tồn vong của đất nước. Điều đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, cách thức tổ chức, bảo đảm phát huy cao nhất ý thức, trách nhiệm chính trị của mỗi cá nhân, tổ chức; chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, nhiều chiều và có định hướng đúng để phản bác quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch; tăng cường vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của các tổ chức và từng cá nhân trong việc sử dụng Internet và mạng xã hội; chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để nhận diện, ngăn chặn, bóc gỡ các thông tin, tài liệu có nội dung phản động do các thế lực thù địch tuyên truyền, tán phát trên không gian mạng; cơ quan chức năng các cấp cần quản lý chặt chẽ, đúng quy định việc truy cập, khai thác thông tin trên Internet, mạng xã hội và phòng, chống lộ lọt thông tin bí mật nhà nước mà các thế lực thù địch có thể lợi dụng để xuyên tạc, chống phá; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức tung tin bịa đặt hoặc tiếp tay cho các tổ chức phản động lan truyền các thông tin xấu, độc trên không gian mạng theo quy định của pháp luật…

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.