Tỉnh táo với không gian mạng, đừng biến thành “con rối” làm hại đất nước
Mạng xã hội không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải phải tự xây dựng được cho mình bản lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo những cũng không ít cạm bẫy này.
Trong điều kiện xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của số đông người dùng mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thấy rõ thì những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và mạng Internet, các thế lực thù địch đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin sai trái, thù địch, độc hại trên mạng xã hội với mức độ, tần suất ngày càng tăng nhằm chống phá cách mạng nước ta, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội, đòi hỏi người dùng mạng nói chung, mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sỹ nói riêng cần phải tỉnh táo, nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong ứng xử trên không gian mạng.
Mạng xã hội và sức ảnh hưởng
Mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới ngày càng tiện ích, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội, thu hút hàng nghìn, hàng triệu thành viên không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh đã tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức, phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng.
Mạng xã hội cũng tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế, thương mại đến chính trị-xã hội. Nhờ đặc điểm của các công nghệ thông tin và truyền thông vừa mang tính chất cá nhân, vừa mang tính toàn cầu nên sức ảnh hưởng từ mạng xã hội không hề nhỏ. Một cá nhân đưa ra thông tin có thể tiếp cận được một lượng người tiếp nhận tiềm năng nhanh chóng, dễ dàng trên một phạm vi rộng khắp.
Với mạng xã hội, thông tin được truyền tải một cách gần như ngay lập tức và dễ dàng mà không cần trải qua các quy trình kiểm duyệt có điều kiện như đối với các cơ quan báo chí chính thống, trở thành một sức mạnh to lớn có thể tạo nên những thay đổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, với đặc thù là công cụ kết nối, chia sẻ nhanh và dễ dàng bất kỳ nội dung nào, vào bất kỳ lúc nào, mạng xã hội cũng có thể trở thành công cụ phá hoại, lan truyền các thông tin xấu độc, sai sự thật, thậm chí mù quáng khó kiểm soát.
Những mặt trái đó gây tác động tiêu cực đến ứng xử của con người, gây hại cho cộng đồng. Tệ hại hơn, không gian trên mạng xã hội có thể thành môi trường để các tổ chức khủng bố trong và ngoài nước tuyên truyền, tuyển lựa, huấn luyện và chỉ đạo hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội. Những điều này tạo ra vô số mối nguy lớn về an ninh và chủ quyền quốc gia.
Những thách thức
Tận dụng tối đa những chức năng và lợi thế từ mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã quyết liệt chống phá Đảng và Nhà nước ta với nhiều hình thức, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Nội dung chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động thông qua thông tin trên mạng xã hội rất đa dạng, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế đến pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, thậm chí đến cả diễn biến về tình hình sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Cũng từ đó, một số người vì nhiều lý do, vì thiếu hiểu biết, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Nhất là khi người dùng mạng luôn tâm lý cho rằng các trang mạng xã hội của mình là nơi thoải mái đăng mọi thứ, thể hiện quan điểm mà chẳng đoái hoài, suy nghĩ về hậu quả, vì thế tình trạng lệch lạc về thông tin, hiểu sai về bản chất vấn đề ngày càng phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng.
Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây mạng xã hội được các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm tuyên truyền, phát tán nhiều loại thông tin xuyên tạc với mức độ, tần suất ngày càng nhiều.
Điều này đã tiếp tay cho thông tin xấu, thông tin chưa được kiểm chứng được chia sẻ, lan truyền một cách khó kiểm soát, khiến những người nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin chính thống, những người nắm và hiểu vấn đề còn nông cạn… tham gia cổ xúy cho cái xấu, cái sai, bất chấp hậu quả tai hại của nó đối với đạo đức xã hội, đối với sự phát triển của đất nước.
Điển hình là các vụ việc kích động biểu tình vì môi trường, xuống đường vì biển đảo, hay các vụ việc kích động phản đối dự luật đặc khu, luât an ninh mạng, tình hình nhân quyền tại Việt Nam, tình trạng sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc các sự việc có tính chất nóng hổi, gây nhiều tò mò, bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua…
Hiện nay, lợi dụng các ưu thế của mạng xã hội, các cá nhân, tổ chức phản động trong và ngoài nước càng ráo riết, quyết liệt hơn trong việc chống phá chế độ, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phạm vi ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mỗi cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, trong đấu tranh trên mạng xã hội.
Mỗi cá nhân cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu, độc của thế lực phản động.
Chủ động đấu tranh
Để tỉnh táo, sáng suốt trong việc sử dụng không gian mạng, cũng như chủ động làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, các quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước trên mạng xã hội, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nói chung, người dùng mạng nói riêng cần tỉnh táo để nhận diện và tránh mắc vào những cái bẫy nguy hiểm của các thế lực phản động.
Làm được điều đó, trước hết cần giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích và sự nguy hại đến từ không gian mạng, đặc biệt là việc giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng.
Phổ biến các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19-8-2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018, nhất là việc tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, đặc biệt các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, thông tin sai sự thật, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
Thêm nữa, cần thiết phải bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn trên mạng xã hội cho mỗi cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.
Qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, nhiều đối tượng phản động đã sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Thanh Niên Dân Chủ…, núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ” để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng hoặc phát tán các tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân.
Đặc biệt, để đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng phản động lợi dụng không gian mạng, cần thiết phải phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách, nhất là các cơ quan chuyên trách an ninh mạng như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng; lực lượng bảo vệ an ninh mạng tại bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Các cơ quan này cần có những hoạt động hiệu quả, kịp thời để góp phần nhanh nhất đẩy lùi nguy cơ từ các thể lực phản động lợi dụng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, tổ chức và các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường cần nắm vững mọi hoạt động và tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời; có trách nhiệm trong quản lý thông tin có liên quan tới cán bộ, đảng viên và quần chúng, có kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng nói chung, hoạt động trên mạng xã hội nói riêng.
Sự phát triển của nền kinh tế, xã hội nói chung, công nghệ thông tin và mạng xã hội nói riêng ngày càng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi con người cần phải luôn học tập để có thể thích ứng với sự biến đổi. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta quên mất sự cảnh giác đối với những thế lực lợi dụng sự phát triển để chống phá.
Mạng xã hội không xấu, điều quan trọng là mỗi cá nhân phải phải tự xây dựng được cho mình bản lĩnh tiếp nhận và vững vàng khi tham gia vào không gian ảo những cũng không ít cạm bẫy này.
CAND