Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) hãy tôn trọng sự thật!

Mới đây, Đài VOA đưa tin Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) hôm 26/6 đăng tải dòng Twitter cho rằng “Việt Nam ứng phó tốt với đại dịch Covid-19, nhưng đồng thời lại gia tăng đàn áp gấp đôi đối với các nhà hoạt động và những tiếng nói bất đồng chính kiến”. Ngoài ra, nhóm này còn gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi phải tôn trọng nhân quyền.

Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) hãy tôn trọng sự thật!

Lại là giọng điệu nực cười của một tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam! APHR cần phải nhớ rằng, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Bên cạnh việc bảo đảm các quyền con người cho nhân dân, Việt Nam cũng có quyền thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự ổn định, phát triển của đất nước. Các đối tượng mà APHR gọi là các “nhà hoạt động và những tiếng nói bất đồng chính kiến” như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Thị Tâm, Vũ Tiến Chi, Nguyễn Thị Cẩm Thúy… thực chất là những kẻ chuyên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, thường xuyên tán phát các thông tin tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải bị xử lý, trừng trị thích đáng. Đây là lẽ đương nhiên, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Những cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động”, “những tiếng nói bất đồng chính kiến”, “người bất đồng quan điểm”…chỉ là các khái niệm mà những kẻ thiếu thiện chí, thậm chí là thù địch với Việt Nam dùng để lừa bịp người khác mà thôi.

Đây không phải là lần đầu tiên APHR có cái nhìn lệch lạc về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Trước đây, khi Chính phủ Việt Nam đưa dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra lấy ý kiến góp ý của người dân thì APHR bày tỏ “quan ngại” về điều này và cho rằng đây là động thái dùng luật pháp để “siết chặt”, “bóp nghẹt” tôn giáo – Đó là một hành động vu cáo trắng trợn, cố tình nhìn nhận sai lệch về tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Điều này đã được hiến định trong Hiến pháp và bảo đảm trên thực tế. Thử hỏi nếu Việt Nam “siết chặt”, “bóp nghẹt” tôn giáo thì làm sao có những con số, sự kiện trên thực tế đáng chú ý sau: 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Nói vậy để thấy, những gì mà Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền nhìn nhận về tình hình dân chủ, nhân quyền, tôn giáo của Việt Nam thời gian qua là hoàn toàn phiến diện, không có căn cứ, thiếu thuyết phục, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

(Mộc An)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.