Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lại xuyên tạc về nền tự do báo chí của Việt Nam!

Đài Á Châu tự do (RFA) mới đây loan tin, RSF vừa công bố bản Thông cáo “Chỉ số tự do báo chí của của các quốc gia trên thế giới”, trong đó Việt Nam tiếp tục là 1 trong 20 nước bị tổ chức này coi như “kẻ thù của tự do báo chí trên mạng năm 2020” vì “tình trạng bóp méo, ngăn cấm quyền tự do biểu đạt thông tin”…

Vẫn là những luận điệu phiến diện, suy diễn, quy kết không có gì mới mẻ của tổ chức này. Tương tự như các bản phúc trình, báo cáo về vấn đề “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” của các tổ chức thù địch khác, nguồn thông tin mà RSF thu thập chủ yếu từ các tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện cảm với Việt Nam. Từ các cách tiếp cận sai lệch, các tổ chức này tung ra hàng loạt suy đoán, phỏng đoán phiến diện, lệch lạc, hướng tới mục tiêu là can thiệp vào công việc nội bộ và chống phá Việt Nam cũng như các quốc gia mà họ coi là thù địch.
Vậy đâu mới là sự thật?

Về thực trạng phát triển của cơ quan báo chí: Đối với báo in và báo điện tử, tính đến ngày 30/11/2019, Việt Nam có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 báo (Trung ương: 83, địa phương: 96), trong đó 116 báo có hoạt động báo điện tử; 648 tạp chí (Trung ương: 543, địa phương: 105), trong đó 52 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử; 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 16 báo điện tử và 07 tạp chí điện tử. Đối với phát thanh, truyền hình, cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 02 đại quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình.

Về nguồn nhân lực hoạt động báo chí: Cả nước có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.047 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Về nội dung thông tin trên báo chí, trong những năm qua, báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Nội dung thông tin phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao, tập trung vào các vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, như: phát triển kinh tế – xã hội; tăng cường quốc phòng – an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tuyên truyền thông tin đối ngoại, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân trong và ngoài nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Bên cạnh các chương trình, tin tức thực hiện bằng tiếng Việt, một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để bà con các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nắm vững quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện sản xuất các tin, bài trực tiếp bằng các ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật) hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế. Nhiều cơ quan báo chí đã đổi mới, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân đối với thông tin…

Về hành lang pháp lý hỗ trợ báo chí, Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các hiệp ước quốc tế mà trên nền tảng đó, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo và có trách nhiệm trong việc cụ thể hoá quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng văn bản pháp lý. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các tiện ích trên mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú; thông tin báo chí trở nên công khai, minh bạch và phổ biến tới người dân.

Những số liệu, dẫn chứng cụ thể trên cho thấy diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang diễn ra rất sôi động, phản ánh những bước tiến đáng ghi nhận. Điều này thể hiện rất rõ trong thời điểm Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định của cuộc chiến chống “đại dịch Covid-19”. Vai trò của các cơ quan báo chí được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, là cầu nối giữa Chính phủ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân trên lĩnh vực thông tin, liên lạc. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã tận dụng tối đa những tiện ích trên nền tảng Internet, kịp thời thông tin nhanh nhất, chính xác nhất tới người dân biết rõ tình hình đang diễn ra cũng như cách thức phòng, chống dịch, đẩy lùi các tin giả, tin xấu độc…

Việc RSF phớt lờ các thành tựu nổi bật của Việt Nam trên lĩnh vực báo chí trong thời gian qua để tung ra hàng loạt các cáo buộc vô căn cứ, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do báo chí, vi phạm dân chủ, nhân quyền… sẽ là “cái cớ” để các phần tử chống đối, cơ hội chính trị, tha hóa, biến chất tăng cường viết bài xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” rồi tán phát trên mạng xã hội, internet… hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái này!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *