Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) tiếp tục xuyên tạc, vu cáo về tình hình Việt Nam

Vào ngày 14/01, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) lại tung ra bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến Việt Nam. Theo tổ chức này, “Nhà cầm quyền Việt Nam trong năm 2019 chẳng làm gì nhiều để cải thiện hồ sơ nhân quyền yếu kém, vẫn tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản”. Đề cập đến quyền tự do biểu đạt, chính kiến và ngôn luận, HRW vu cáo các blogger viết về nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên bị sách nhiễu, dọa dẫm, bắt bớ, bị xét xử và kết án nhiều năm tù về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Về quyền tự do truyền thông và tiếp cận thông tin, bản phúc trình của HRW cho rằng Việt Nam kiểm soát chặt chẽ truyền thông, cấm báo chí độc lập, chế tài các nội dung hay tài khoản mạng xã hội bị coi là trái ý chính quyền về chính trị. Về quyền tự do lập hội và nhóm họp, báo cáo của HRW nêu rằng Việt Nam cấm các công đoàn, tổ chức nhân quyền và đảng phái chính trị độc lập, những ai muốn thành lập công đoàn độc lập hay nhóm công nhân độc lập phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả thù. Về tự do tôn giáo, HRW nói Việt Nam cấm các hoạt động tôn giáo bị tùy tiện quy kết là đi ngược lại với ‘lợi ích quốc gia,’ ‘trật tự công cộng’ hay ‘khối đại đoàn kết dân tộc’ trong đó có nhiều hoạt động tôn giáo thông thường, “các nhóm tôn giáo không được công nhận, trong đó có các chi phái của đạo Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin lành, và Phật giáo bị sách nhiễu, đe dọa, và có khi bị đàn áp bằng võ lực; tín đồ bị buộc bỏ đạo, bị giam giữ, tra tấn và bỏ tù”…

Ngay sau khi công bố bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới, ngày 15/01, HRW phát đi thông báo kêu gọi các thành viên Nghị viện châu Âu “không bỏ lỡ cơ hội để thay đổi Việt Nam” khi liên minh này chuẩn bị bỏ phiếu phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Theo HRW “chỉ đơn giản bằng việc bỏ phiếu tán thành, mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ chính phủ Việt Nam, là bỏ phí một cơ hội có một không hai đối với sự thay đổi tích cực ở Việt Nam”.

Soi lại bản phúc trình năm 2019 với các bản báo cáo, phúc trình… của tổ chức này những năm trước đây thật sự chẳng có gì mới mẻ. Vẫn là những đánh giá vô căn cứ, cáo buộc thiếu khách quan, xuyên tạc, quy chụp, bóp méo sự thật về tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Có thể thấy, những đánh giá mà tổ chức này đưa ra đều nhằm mục đích cuối cùng là “diễn biến” tình hình Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với bản thông báo phát đi hôm 15/01 và những gì HRW đã làm thời gian qua, có thể khẳng định tổ chức này đang cố tình can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam!

Phải chăng HRW đang cố tình lờ đi rằng, quyền con người gắn chặt với các quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền của mỗi quốc gia? Cần phải nhấn mạnh một điều chắc chắn rằng quyền con người vừa mang tính phổ quát lại mang tính lịch sử cụ thể. Về tính phổ quát của quyền con người ở mỗi quốc gia, không kể hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị – xã hội, kinh tế và văn hoá đều có những giá trị chung giống nhau, không thể chia cắt và phụ thuộc lẫn nhau. Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị toàn thế giới về nhân quyền tại Viên (Cộng hòa Áo) năm 1993. Về tính lịch sử cụ thể của quyền con người phản ánh những giá trị đặc thù dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chính trị, lịch sử, văn hoá, tôn giáo. Các quốc gia khi xử lý các quyền con người phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực, bối cảnh khác nhau về lịch sử, văn hoá và tôn giáo của mỗi nước.. Khi thực hiện các quyền con người phải kết hợp đúng đắn giữa các nguyên tắc và các chuẩn mực nhân quyền của Liên hợp quốc với điều kiện thực tế của nước mình.

Rõ ràng HRW cũng như các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam đã cố tình không nhìn nhận thực tế là từ khi thành lập đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua. Mỗi nước có chính sách riêng bảo đảm quyền con người phù hợp với tình hình, đặc thù của mỗi nước; không có “mô hình mẫu” về nhân quyền chung cho mọi quốc gia. Ở Việt Nam, Hiến pháp và các văn bản luật ở Việt Nam đều nhấn mạnh đến quyền con người. Các quyền cơ bản của con người như: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, tự do tôn giáo… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, những nhận định trên của HRW là mang tính quy chụp và hoàn toàn không đúng với thực tiễn đang diễn ra ở Việt Nam.

Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất, có chủ quyền. Thể chế chính trị ở Việt Nam là do lịch sử và dân tộc, nhân dân Việt Nam lựa chọn, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc, được quốc tế, các quốc gia và các tổ chức chính thức thừa nhận, tôn trọng. Vì vậy, không một quốc gia, tổ chức nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam! Những gì HRW đã làm thời gian qua là hoàn toàn sai trái, không thể chấp nhận được!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.