Trách nhiệm nêu gương và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Ngày 22/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã làm dậy sóng dư luận khi công bố quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh, sinh 1984, Bí thư Tỉnh Đoàn (con trai của đương kim Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh – Nguyễn Nhân Chiến) tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh thay ông Vương Quốc Tuấn vừa được Đại hội Đảng bộ địa phương này bầu làm Bí thư 25 ngày trước đó.
Trong khi dư luận trên báo chí, đặc biệt là trên không gian mạng phản ứng mạnh mẽ, hoài nghi, yêu cầu làm rõ về quyết định trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh thì các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy Bắc Ninh vẫn một mực khẳng định rằng việc điều động, chỉ định ông Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh là hoàn toàn “đúng quy trình”, ông Chinh đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn để làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Nhưng lạ thay, khi Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Tỉnh ủy Bắc Ninh xem xét việc bố trí ông Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh và yêu cầu “phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong công tác cán bộ” thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh lại vội vàng ra quyết định điều động ông Nguyễn Nhân Chinh về làm Phó Giám đốc Sở Lao Động – Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh (sau đúng 14 ngày ông Chinh nhậm chức).
Như vậy, chỉ trong vòng 39 ngày, Thành ủy Bắc Ninh đã có 03 Bí thư Thành ủy. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ về công tác tổ chức cán bộ trước thềm đại hội đảng các cấp của Tỉnh ủy Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Dư luận có quyền hoài nghi và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy Bắc Ninh, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, ông Bí thư Tỉnh ủy trong việc điều động, chỉ định con trai của chính mình làm Bí thư Thành ủy. Có thể ông Chinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện và việc điều động, bổ nhiệm ông Chinh làm Bí thư Thành ủy là đúng quy trình đi chăng nữa thì đây cũng là việc không nên làm. Bởi lẽ, theo phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì trong công tác bổ nhiệm cán bộ ngoài tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thì nhất thiết phải xem xét, bố trí “đúng người, đúng việc”.
Trong khi toàn Đảng đang ra sức nỗ lực thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng; và Trung ương đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, thì vụ việc trên của Tỉnh ủy Bắc Ninh mặc dù chỉ là cá biệt, nhưng phần nào đã làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân vào tính minh bạch, dân chủ, công bằng trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng ta. Thiết nghĩ, đây là bài học đắt giá không chỉ riêng cho Tỉnh ủy Bắc Ninh mà là bài học cho tất cả cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người lãnh đạo chủ chốt các cấp, những người có quyền hạn và trách nhiệm trong công tác tổ chức cán bộ phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, nhất là trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tránh “tư tưởng hẹp hòi”, “gia đình trị”, phải thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Có như vậy, quần chúng nhân dân mới tin vào Đảng và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ này mới chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đức, đủ tài để lãnh đạo, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, ngang tầm với bè bạn năm châu.
Công Bằng