Đáng quan ngại là trong hoạt động báo chí đã xuất hiện những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không thể làm ngơ, xem thường.

Báo động tình trạng tạp chí điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích

Tháng 6-2020, giới báo chí cả nước hân hoan chào đón sự kiện 95 năm ngày truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, nhiều thế hệ nhà báo chân chính có cống hiến xuất sắc trong hoạt động báo chí được công chúng ghi nhận, tôn vinh. Nhưng tháng 7 vừa qua, 5 phóng viên đã bị bắt quả tang vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản gây bức xúc trong dư luận và đau lòng những người làm báo chân chính. Trong số những phóng viên sai phạm đó, phần lớn đối tượng đang làm việc ở các TCĐT thuộc các tổ chức hội.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chỉ tính trong năm 2019, trong số 23 cơ quan báo chí (báo in, báo điện tử, TCĐT) bị xử phạt hành chính gần 600 triệu đồng do hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng, thì có 8 TCĐT bị xử phạt 205 triệu đồng. Như vậy, tỷ lệ TCĐT sai phạm bị xử phạt chiếm hơn 30% trong tổng số các trường hợp bị xử phạt.

Sở dĩ các TCĐT bị xử phạt vì có nguyên nhân sâu xa là không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Luật Báo chí năm 2016 quy định: “TCĐT là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ, đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành, được truyền dẫn trên môi trường mạng”. Nhưng trên thực tế, phần lớn các TCĐT, nhất là các TCĐT thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp đã làm không đúng chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của mình là đăng tải các thông tin, bài viết mang tính học thuật, chuyên ngành, chuyên sâu của ngành, lĩnh vực, tổ chức của mình; mà lại tổ chức các loạt bài, bài điều tra, phóng sự, phỏng vấn, bình luận như một cơ quan báo chí; đăng video clip, phim tài liệu, phóng sự, hình ảnh như chương trình truyền hình; tổ chức các hoạt động truyền thông mang tính thương mại không đúng với vai trò của TCĐT.

Tháng 9-2019, sau khi khảo sát cụ thể đối với 31 TCĐT thuộc các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận định: Hầu hết các tạp chí này hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích; ít tập trung vào các chuyên mục nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành; cập nhật thông tin như báo điện tử, cách làm theo xu hướng “báo hóa”, đưa tin thời sự, điều tra các vụ việc sai phạm, tiêu cực ở doanh nghiệp, địa phương. Nhiều TCĐT xây dựng các chuyên trang, chuyên mục không phù hợp với tính chất của tạp chí.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhận được nhiều đơn thư, văn bản, ý kiến của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương phản ánh, khiếu nại về cách thức thu thập thông tin, phương thức tác nghiệp, nội dung thông tin liên quan đến các TCĐT. Năm 2019, trong số hàng trăm đơn thư khiếu nại thông tin trên báo chí gửi đến Bộ TT&TT, có gần 50% đơn thư liên quan đến các TCĐT. Cũng trong năm 2019, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận hơn 100 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trong đó nhiều đơn thư khiếu kiện về thông tin không chính xác đăng trên TCĐT.

Nhiều biểu hiện sai lệch của tạp chí điện tử làm suy giảm uy tín của báo chí

Theo đại diện Phòng Thanh tra-Pháp chế, Cục Báo chí (Bộ TT&TT), không chỉ chạy theo xu hướng “báo hóa” TCĐT, nhiều TCĐT còn huy động lực lượng phóng viên (trong đó không ít trường hợp từng bị kỷ luật, sa thải ở các cơ quan báo chí khác), cộng tác viên ở các văn phòng đại diện, cơ quan thường trú lợi dụng hoạt động báo chí để đi “vạch lá tìm sâu”, “đếm tầng” các công trình xây dựng ở đô thị, sách nhiễu các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Dư luận từng bức xúc tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” trên các báo, TCĐT, thì thời gian gần đây lại xuất hiện hiện tượng phóng viên “mặc cả giá” ngay từ khi tin, bài chưa online (trực tuyến), nằm ở dạng trực chờ xuất bản. Trong vòng khoảng 9 tháng (từ tháng 3 đến 12-2019), phần mềm giám sát quản lý Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã phát hiện gần 40 bài trên các báo, TCĐT có dấu hiệu sửa bài tiêu cực. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nhằm tránh bị phần mềm giám sát quản lý của cơ quan chức năng theo dõi, một số TCĐT đã biến tướng sang hình thức “tráo săm, sửa lốp”, tức là sửa tít mà không gỡ bài, mà lại thay đổi nội dung hoàn toàn, hoặc sửa một phần nào đó liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thực chất đây là hành vi lợi dụng hoạt động báo chí để vụ lợi.

Bên cạnh đó, việc lãnh đạo nhiều TCĐT đã khoán thu, khoán hợp đồng quảng cáo, trả nhuận bút theo số lượng view vô hình trung tạo áp lực cho nhiều phóng viên có thêm cơ hội sa đà vào lối làm báo thương mại hóa, tổ chức liên kết, liên minh “đánh hội đồng” các doanh nghiệp, tổ chức, mà đây chính là hành vi “truyền thông bẩn” đáng phê phán.

Điều đáng chú ý trong hoạt động báo chí thời gian gần đây là manh nha hiện tượng tư nhân hóa báo chí. Qua một thời gian theo dõi, đại diện cơ quan chức năng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, đã có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc liên kết trong hoạt động báo chí để gây áp lực, tác động việc sản xuất, đăng, phát nội dung thông tin vì mục tiêu lợi nhuận thuần túy và lợi ích cục bộ. Ngoài ra, một số lãnh đạo, phóng viên báo chí đã thành lập doanh nghiệp để xử lý khủng hoảng truyền thông, ký kết hợp đồng, hợp tác truyền thông với chính đối tượng doanh nghiệp, tổ chức mà họ từng “cảnh báo, răn đe, dằn mặt”. Có không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản trước khi khởi công một công trình nào đó, đã phải “lót tay” trước cho một bộ phận phóng viên nhằm tránh sự “phiền hà, quấy nhiễu” của họ. Người ta gọi đó là những gói “bảo trợ đen”. Kiểu làm báo “nặng mùi vật chất” như vậy, theo nhận định của một cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam, không chỉ làm suy giảm vai trò giám sát xã hội của báo chí, mà còn ảnh hưởng rất xấu đến vị thế, phẩm giá, danh dự của người làm báo chân chính. Đây là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không thể làm ngơ trong hoạt động báo chí hiện nay.

Được biết trong năm 2019, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam đã trao đổi, đối thoại, nhắc nhở hơn 300 trường hợp hội viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình tác nghiệp báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, hoặc có phát ngôn, bài viết chưa chuẩn mực trên mạng xã hội, gây tác động không tốt đến dư luận công chúng. Trong đó, hơn 20 trường hợp sai phạm nghiêm trọng đã bị thu hồi thẻ hội viên.

Không ngẫu nhiên mà trong Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, người lãnh đạo cao nhất ngành tuyên giáo nước ta đã thẳng thắn bày tỏ thái độ cảnh báo rất nghiêm khắc: Nhiều phóng viên đã bị đồng nghiệp ta thán, xã hội vừa sợ vừa khinh miệt bằng những từ như “phóng viên đếm tầng”, “phóng viên IS”… ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến danh dự người làm báo. Tư duy, cách làm đó không những không thể giải quyết căn cơ vấn đề kinh tế báo chí, mà còn trái tôn chỉ, mục đích, ảnh hưởng tiêu cực tới nội dung, uy tín, sứ mệnh thiêng liêng của báo chí cách mạng.

PHÚC NỘI/QĐND 

(còn nữa)