“Tự do tôn giáo ở Việt Nam là 100%”

Thời gian qua, đã diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng khẳng định uy tín ngày càng lên cao của Việt Nam trên bình diện quốc tế, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Đó là ngày 7-6-2019, tại phiên bỏ phiếu chọn Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an do Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức, Việt Nam được bầu với 192 trong số 193 phiếu ủng hộ. Đó là ngày 20-6-2019, tại phiên họp của Hội đồng nhân quyền LHQ tổ chức ở Geneva (Giơ-ne-vơ – Thụy Sĩ), với sự chứng kiến của đại diện 192 nước thành viên LHQ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ, Hội đồng nhân quyền LHQ đã thông qua Báo cáo về tình hình đảm bảo quyền con người tại Việt Nam chu kỳ 2 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR)… Các sự kiện này đã cho thấy nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc chăm lo đời sống người dân, phát triển đất nước cũng như tích cực cùng nhân loại xây đắp, củng cố hòa bình trong khu vực và trên thế giới, xây dựng quan hệ bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia để cùng phát triển. Từ tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong nỗ lực tăng cường, tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng các quyền kinh tế – xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị theo các chuẩn mực quốc tế, nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ chế, chủ trương, chính sách, người dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn các quyền và tự do, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao…

Song cũng thời gian này, từ nước Mỹ lại xuất hiện một số sự kiện không bình thường liên quan tới Việt Nam. Điển hình là việc dựa trên thông tin sai lệch, Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 21-6-2019 (Báo cáo) đã đánh giá thiếu khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Và tại các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị cấp bộ trưởng về thúc đẩy tự do tôn giáo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức tại Washington (Oa-sinh-tơn) từ ngày 16 đến 17-7-2019 (Hội nghị), một số tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam đã được mời tham dự, tạo cơ hội để bịa đặt, vu cáo Việt Nam về tự do tôn giáo. Đó là việc làm không phù hợp với các bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam và Mỹ thời gian qua; càng không phù hợp với nguyên tắc được xác định trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam – Mỹ đã công bố năm 2015: “Việc thực hiện tốt, đầy đủ và không ngừng làm sâu sắc, phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở để xây dựng lòng tin, tiến tới đưa quan hệ phát triển lên một tầm cao mới”.

Cần khẳng định đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam trong Báo cáo và một số ý kiến tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị đã không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Bởi, nếu có thái độ khách quan, các tổ chức, cá nhân này sẽ phải công nhận quan điểm, chính sách nhất quán cũng như những thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều đó đã quy định rõ trong Hiến pháp và luôn được quan tâm, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật để chính sách tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm và tôn trọng. Bởi, không thể nói “không có tự do tôn giáo” khi hiện nay ở Việt Nam có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo; đến năm 2017, 7.102 tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng tổng diện tích 14.850 ha đất; 12 báo, tạp chí liên quan tôn giáo, phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng; trong 5 năm có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều ngôn ngữ. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK, 500 năm Cải chánh đạo Tin lành,… Điều đáng nói là, tự do tôn giáo của các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm: năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ; ở Bình Phước và Tây Nguyên có 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 304 chi hội và hơn 1.300 điểm nhóm; ở Tây Bắc có 693 điểm nhóm Tin lành, 8 Hội thánh cơ sở được thành lập; nhiều điểm nhóm của người dân tộc thiểu số theo Hội thánh Lutheran, Hội Liên hữu Baptist Việt Nam đã đăng ký sinh hoạt tập trung…

Quan điểm, chính sách thiết thực và các con số nêu trên được phản ánh cụ thể trong sinh hoạt tôn giáo hằng ngày. Nên người soạn thảo Báo cáo và tạo cơ hội cho một số kẻ vu cáo Việt Nam hãy tìm hiểu, tự trả lời: Tại sao các năm qua ở Việt Nam, nhiều nhà thờ Công giáo được tu sửa, xây mới? Tại sao Youtube có rất nhiều video-clip tường thuật các thánh lễ tổ chức trang trọng, đông vui ở các nhà thờ từ nam ra bắc? Tại sao hàng triệu công dân theo Công giáo vẫn dự lễ thứ bảy, chủ nhật bình thường? Tại sao các hoạt động tôn giáo lớn được tổ chức tại Sở Kiện (Hà Nam), La Vang (Quảng Trị),… lại luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ từ phía chính quyền? Tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý để Tòa Giám mục Giáo phận Thanh Hóa tổ chức Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ 15 tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trực thuộc UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng giúp đỡ, bảo đảm giao thông thông suốt? Tại sao trong lễ mừng 50 năm thành lập Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tổ chức ở Giáo xứ Thánh Đa Minh – Ba Chuông (TP Hồ Chí Minh), Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã nhấn mạnh: sau 50 năm, số tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam tăng gấp ba lần, đứng thứ hai trong dòng Đa Minh thế giới, hoạt động tại 17 Giáo phận ở Việt Nam và tám nước khác? Tại sao linh mục Lê Quốc Thăng lại có thể từ Việt Nam tới Australia (Ô-xtrây-li-a), Mỹ,… để tự do phát ngôn quan điểm của mình về tự do tôn giáo ở Việt Nam? Tại sao khi mô tả “Các linh mục Công giáo ở miền trung Việt Nam tiếp tục hỗ trợ tổ chức một loạt các cuộc biểu tình kêu gọi bảo vệ môi trường mạnh mẽ hơn. Nhiều nhà thờ Công giáo ở các tỉnh này đã tổ chức các cuộc biểu tình vào tháng 6để phản đối các dự luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và luật an ninh mạng” người soạn thảo Báo cáo không hề đếm xỉa hay quan tâm tới một thực tế rõ ràng là các giáo phận khác thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam không có hoạt động tương tự? Đặc biệt, thực tế hàng chục triệu tín đồ Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, hàng triệu tín đồ nhiều tôn giáo khác vẫn sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng, phát triển đất nước; cũng như việc LHQ chọn Việt Nam làm địa điểm để tổ chức thành công Đại lễ Phật đản LHQ trong các năm 2008, 2014, 2019… bị cố tình bỏ qua, không đề cập tới cũng đã phần nào cho thấy sự “khách quan” trong Báo cáo cũng như đánh giá của các thế lực và nhóm người này.

Và trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá không khách quan về tự do tôn giáo ở Việt Nam thì nhiều người Mỹ từng đến Việt Nam lại có ý kiến trái ngược. Năm 2017, Mục sư F.Graham (Ph.Gờ-ra-ham) – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội truyền bá phúc âm Billy Graham và là một trong các mục sư nổi tiếng nhất ở Mỹ, đã trực tiếp chủ trì hai buổi truyền giảng với sự tham gia của hơn 10 nghìn người tại sân vận động Quần Ngựa (Hà Nội). Trả lời phỏng vấn AP, ông nói: “Chính quyền Việt Nam không đặt bất kỳ điều kiện nào cho việc tổ chức hai buổi truyền giảng”. Trở về Mỹ, trên trang mạng một tờ báo của người Mỹ gốc Việt, ông khẳng định “tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được cải thiện”. Còn ông A.Sauvageot (A.Sa-va-gô), cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, sau năm 1975 là trợ lý đặc biệt của Đại sứ Mỹ tại Thái-lan rồi làm trưởng đại diện của General Electric (công ty tập đoàn đa quốc gia Mỹ), cố vấn cho Interstate Traveler Company (một công ty du lịch) tại Việt Nam, nói rằng: “Với tư cách người nước ngoài sống, làm việc ở Việt Nam đã lâu, tôi hoàn toàn không đồng ý với báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo… Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc tại Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và người Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo… Tôi khẳng định những người bị bắt không bao giờ vì lý do tôn giáo mà vì họ vi phạm pháp luật của chính đất nước đã nuôi dưỡng họ. Tôi nghĩ, một số thành phần thù địch ở Mỹ cố tình xuyên tạc tình hình Việt Nam và nghiễm nhiên có một số thành phần không có kiến thức, không hiểu thực tế vì chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam, nghe theo lời xuyên tạc, đi theo một cách mù quáng”.

Cũng chính vì không khách quan, Báo cáo và một số ý kiến tùy tiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam đã xóa nhòa ranh giới giữa thực hành tôn giáo với hành vi lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật; tảng lờ nguyên tắc quan trọng của mọi xã hội văn minh là tư cách tín đồ không thể đứng trên, đứng ngoài tư cách công dân. Thiết nghĩ, trước khi dẫn thí dụ để cho rằng Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, những người soạn thảo Báo cáo và có ý kiến tiêu cực nên tham khảo video-clip “David Lee – Tâm tình chiều 02.05.2019” phát trên Youtube. Trong đó ông Davis Lee (Đa-vít Li) – người Mỹ gốc Việt theo Công giáo, thẳng thắn chỉ rõ: “Một số linh mục hễ mở miệng ra là đi ngược giáo huấn của Giáo hội Công giáo, lại được tung hô như “anh hùng dân tộc” như linh mục Nguyễn Duy Tân hoặc vài ba linh mục Dòng Chúa cứu thế. Linh mục nào chân mộc với lòng yêu thương thì bị chụp mũ Cộng sản”. Ông coi việc một số linh mục tổ chức thánh lễ cho người không theo Công giáo giơ biểu ngữ “chồng tôi vô tội, con tôi vô tội” trong nhà thờ là “biến Thánh lễ thành biểu tình có tính chính trị”, khẳng định “lạm dụng, biến Thánh lễ thành cuộc đấu tố chống cộng, đó là điều Chúa không muốn. Nếu thật sự tin vào Chúa thì lời cầu nguyện âm thầm đã được Chúa hiểu, không phải giơ khẩu hiệu lên thì Chúa mới đọc được, đừng biến nhà Chúa trở thành nơi tổ chức biểu tình, biến Thánh lễ thành hoạt động chính trị”!

Tóm lại, nếu thật sự thiện chí, người soạn thảo Báo cáo hoặc tạo cơ hội cho một số kẻ đưa ra ý kiến tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam cần trực tiếp tìm hiểu trên thực tế để có nhận thức khách quan, đánh giá chính xác.

Theo Nhân dân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *