XỬ LÝ KỊP THỜI, HIỆU QUẢ TÌNH HUỐNG XÂY DỰNG ĐẢNG Ở CƠ SỞ – GÓP PHẦN XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH
Tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở là những sự việc, sự kiện thực tế (trong nội bộ tổ chức đảng hoặc trong phạm vi lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở) chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột phức tạp, đòi hỏi phải có biện pháp tổng hợp, vận dụng hợp lý các quy định của Đảng, Nhà nước để kịp thời giải quyết hiệu quả nhất những mâu thuẫn, xung đột đó.
Nhận diện chính xác những đặc trưng của tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở
Tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở không phải là toàn bộ hoạt động thực tiễn, diễn ra hằng ngày của các tổ chức đảng trong quá trình lãnh đạo hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội ở cơ sở, cũng như tiến hành các hoạt động xây dựng nội bộ Đảng ở cơ sở. Mà chỉ những sự việc, sự kiện thực tế chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột được đẩy đến độ gay cấn, để tạo nên tình huống. Những mâu thuẫn, xung đột đó biểu hiện ra bên ngoài các sự việc, sự kiện thực tế, dưới dạng các dấu hiệu đặc trưng. Do đó, để xác định một sự việc, sự kiện có phải là tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở hay không cần nhận diện chính xác những dấu hiệu đặc trưng sau đây:
Một là, tình hình chính trị tư tưởng của địa phương, của cơ quan, đơn vị ở cơ sở phức tạp, thiếu sự lãnh đạo, định hướng của tổ chức đảng. Những nơi này diễn ra nhiều sự việc phức tạp như mất an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, nhân dân hoang mang, song vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, sự quản lý của chính quyền mờ nhạt, hoặc bất lực. Nơi đó kẻ xấu lộng hành, sự việc xấu bị làm ngơ, không ai dám lên tiếng, không có người đấu tranh khắc phục. Song, việc chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình hình lại không đơn giản, bởi có sự tiếp tay ở một mức độ nào đó của những cán bộ, đảng viên giấu mặt. Mặt khác, cấp ủy và tổ chức đảng lãnh đạo trực tiếp ở đó không thể xử lý, giải quyết được. Trên thực tế, những sự việc loại này thường có quan hệ không chỉ trong nội bộ của tổ chức đảng, mà có quan hệ với bên ngoài tổ chức, thậm chí có sự chống phá của các thế lực thù địch cấu kết, móc nối với bên trong tổ chức đảng. Tình hình trên nếu không sớm được giải quyết, những kẻ xấu có thể gây hậu quả khôn lường.
Hai là, trong nội bộ tổ chức đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng ở cơ sở có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo lẫn nhau, nhất là giữa người đứng đầu tổ chức đảng, với người đứng đầu chính quyền cùng cấp. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của tình huống mất đoàn kết nội bộ. Cũng có thể việc khiếu nại, tố cáo sai phạm của cán bộ, đảng viên là đúng đắn và cần thiết, do đấu tranh giải quyết những sai phạm bằng biện pháp tự phê bình và phê bình trong nội bộ tổ chức đảng không hiệu quả. Song dấu hiệu đặc trưng của tình huống này là có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo lẫn nhau trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng. Mất đoàn kết nội bộ thường diễn ra gay cấn giữa các nhóm đảng viên với nhau, ở những nơi đó đảng viên hình thành “phe, nhóm” để đấu tranh nội bộ. Thực tiễn công tác xây dựng Đảng ở cơ sở cho thấy, biểu hiện và nguyên nhân gây ra mất đoàn kết trong nội bộ có rất nhiều, nhưng không dễ chỉ đích danh thủ phạm và giải quyết một cách tường tận. Bởi thủ phạm gây mất đoàn kết nội bộ có thể là bất kỳ ai trong tổ chức đảng, nếu tính đảng, tính trách nhiệm và trí tuệ của đảng viên ở những nơi đó không cao, sức chiến đấu suy giảm.
Ba là, cấp ủy hoặc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở có những sai lầm nghiêm trọng, tổ chức đảng ở đó không đủ sức giải quyết. Những tình huống loại này trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hiện nay không ít. Ví dụ, trong nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của nhân dân cho phát triển kinh tế – xã hội, cho giao thông, công trình công cộng và phúc lợi xã hội, cấp ủy và chính quyền các địa phương lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ này thường phải đối mặt với những lợi ích đông đảo của quần chúng Nhân dân. Ở đó thường thiếu sự đồng tình, tự nguyện, hưởng ứng của nhân dân khi trao trả đất cho Nhà nước để chuyển mục đích sử dụng. Trong những trường hợp như vậy, do thúc ép từ nhiều phía, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương rất dễ phạm sai lầm, khi ban hành các quyết định hành chính trái với quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bốn là, Nhân dân có nhiều đơn thư khiếu kiện cán bộ, đảng viên của tổ chức đảng. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Nhân dân ta vốn tin yêu và gắn bó mật thiết với Đảng, bởi vậy, thường đòi hỏi rất cao và giám sát chặt chẽ các hoạt động của đảng viên. Một khi nhân dân có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo cán bộ, đảng viên có nghĩa là công tác xây dựng Đảng ở tổ chức đảng đó đang có vấn đề không bình thường, những mâu thuẫn nào đó đang trở nên gay gắt, không thể giải quyết bằng các biện pháp thông thường, phê bình, góp ý đảng viên.
Việc cần phải khiếu nại, tố cáo thường là những việc phức tạp, tuy xảy ra trong nội bộ tổ chức đảng, nhưng tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đến an ninh quốc phòng ở cơ sở; những sự việc, sự kiện liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, gây bức xúc trong nhân dân, có thể dẫn đến việc hình thành các điểm nóng về chính trị, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Do đó, khi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo cán bộ, đảng viên thì cần phải xem xét các đơn thư đó theo quan điểm tình huống, phải điều tra, nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục sớm, không bao che, đổ lỗi khách quan, không quy chụp, trù dập người khiếu nại, tố cáo, mở đường cho đảng bộ phát triển.
Năm là, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở cơ sở vi phạm nguyên tắc hoạt động của Đảng, vi phạm Điều lệ Đảng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hoạt động của tổ chức đảng. Hiện nay, Đảng ta hoạt động và tổ chức theo các nguyên tắc chủ yếu: tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; đoàn kết thống nhất trong Đảng; Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là những nguyên tắc quy định mọi mặt hoạt động của Đảng, trong đó tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt cơ bản nhất của Đảng. Có thể nói, trong sinh hoạt nội bộ của Đảng, cũng như trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và xã hội, việc chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc đảng là cơ sở để giữ vững tính đảng, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng, bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn, chặt chẽ của Đảng trong mọi hoàn cảnh.
Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, việc các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, hoặc cố ý lợi dụng, làm trái nguyên tắc đảng để trục lợi vẫn còn diễn ra ở một số không nhỏ tổ chức cơ sở Đảng. Tình hình đó thường diễn ra âm thầm, nhưng những tác động xấu của nó lại dễ nhận thấy, đó là tình trạng kỷ luật lỏng lẻo, đảo lộn các giá trị thông thường trong môi trường chính trị, người tốt, kẻ xấu lẫn lộn. Từ môi trường công tác đó diễn ra tình trạng tâm lý, tư tưởng bất an, hoạt động thiếu hăng hái, tích cực; hình thành các nhóm không chính thức để phản ứng lại tình hình vi phạm các nguyên tắc chuẩn mực… Những biểu hiện nói trên cần được xem là dấu hiệu đặc trưng của tình huống trong công tác Đảng.
Nắm vững nguyên tắc khi xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở
Thứ nhất, xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải bảo đảm đúng thẩm quyền, vận dụng phù hợp quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Mỗi tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở có đặc điểm, nội dung, tính chất, diễn biến khác nhau nhưng khi đánh giá, đề ra quyết định, biện pháp xử lý phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, từng cấp theo quy định, đồng thời cần quán triệt và vận dụng linh hoạt, phù hợp quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Xa rời các căn cứ có tính pháp lý chung khi xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở nhất định sẽ dấn đến chủ quan, tuỳ tiện, sai lầm.
Thứ hai, xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải trên cơ sở xem xét toàn diện, cụ thể từng tình huống, vận dụng linh hoạt các quy định, sáng tạo về giải pháp. Một tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở là một trường hợp cụ thể, không có tình huống nào giống tình huống nào. Bản thân mỗi tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở dù đơn giản hay phức tạp đều chứa đựng các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tổ chức…
Vì vậy, khi xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải xem xét toàn diện, cụ thể từng tình huống để có quyết định, đánh giá phù hợp, không được chủ quan, duy ý chí, máy móc, đơn giản, áp đặt. Đồng thời, do những chủ trương, nguyên tắc, quy định của Đảng, Nhà nước không thể bao quát hết mọi lĩnh vực, trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Do đó, khi áp dụng các chủ trương, nguyên tắc, quy định đó phải xem xét, vận dụng cụ thể cho phù hợp với từng trường hợp, đảm bảo có lý, có tình. Việc thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi tính kỷ luật, bản lĩnh chính trị, sự tận tâm, trách nhiệm với công việc rất cao của các chủ thể tham gia xử lý tình huống.
Thứ ba, xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở phải khẩn trương, kịp thời nhưng thận trọng, thấu đáo. Xử lý tình huống cần phải kịp thời nhưng tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở liên quan trực tiếp đến quyền, nhiệm vụ của tổ chức đảng, đến quyền, sinh mệnh chính trị của đảng viên và dư luận xã hội, do đó càng phải thận trọng, kỹ càng, thấu đáo khi xử lý, tránh làm qua loa, đại khái, làm thiệt hại cho tổ chức đảng, đảng viên.
Xử lý tình huống trong công tác xây dựng Đảng ở cơ sở là quá trình vận dụng những quy định của Đảng, Nhà nước để giải quyết kịp thời, hiệu quả những vướng mắc nảy sinh trong thực tế công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.
Việc nắm vững nguyên tắc, các quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình giải quyết các tình huống công tác xây dựng Đảng là một yêu cầu có tính bắt buộc nhằm bảo đảm cho vụ việc được xử lý đúng đắn, kịp thời và toàn diện góp phần hạn chế những sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
(NVS)