Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; nhiều quốc gia đã ghi nhận những ảnh hưởng to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội. Ở nước ta, một số sản phẩm của AI được phát triển trong thời gian gần đây đã mang đến nhiều thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
1. AI là sự mô phỏng hoạt động trí tuệ con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính[1]. Đây là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science) và sản phẩm này do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi giống với con người. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có thể tổng hợp, phân tích, mô phỏng những hoạt động tư duy giống con người như: suy nghĩ, phân tích, học hỏi, lập luận, tự thích nghi,… để giải quyết các vấn đề qua giao tiếp[2]. Các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo là những ứng dụng máy tính mô phỏng hành vi của con người bằng cách học các mẫu dữ liệu và thông tin chuyên sâu khác nhau[3]. Một số ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra các kết quả đa dạng nhờ xử lý và thu thập những dữ liệu có sẵn để tạo nội dung, biên tập, chỉnh sửa, thay thế nội dung,… được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây tự tạo nội dung, đó là: Ứng dụng tạo văn bản[4] (tự động tạo văn bản qua tương tác với người sử dụng): Điển hình cho các ứng dụng này là ChatGPT (viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer), đây là một ứng dụng có thể xử lý các tương tác để truyền tải ngôn ngữ tự động, ứng dụng giúp thay thế con người trả lời các câu hỏi, được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc hội thoại thông thường như người thật. Ngoài ra, một số ứng dụng tự tạo nội dung khác có thể tạo/chỉnh sửa ảnh[5], tạo/chỉnh sửa âm thanh[6], tạo video[7]. Những ứng dụng này giúp người dùng giảm thời gian biên tập nội dung so với các hoạt động tạo nội dung truyền thống. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để tăng hiệu suất công việc, tiết kiệm thời gian xây dựng các nội dung có mục đích cá nhân hoặc thương mại, áp dụng linh hoạt trong các ngành Khoa học – Kỹ thuật, giáo dục, báo chí, quảng cáo, âm nhạc, hội họa, điện ảnh…
Mặc dù có nhiều tác động tích cực đến đời sống xã hội, tuy nhiên các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo đang đặt ra nhiều nghi vấn về các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin, vấn đề về đạo đức xã hội, quyền con người, các hoạt động chính trị,… Vấn đề được các chuyên gia quan tâm ở đây đó là sự “thiếu công bằng” trong các thuật toán (có khả năng dẫn đến các hành vi phân biệt đối xử, thành kiến về chủng tộc và giới tính,…), sự vi phạm quyền riêng tư của người dùng, khả năng định hướng người dùng bởi các nội dung được tạo ra như văn bản, âm thanh, video…[8]. Dư luận trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù các câu hỏi đưa ra từ ứng dụng có thể chính xác hoặc không, tuy nhiên việc trải nghiệm với tâm lý chờ đợi câu trả lời từ một ứng dụng trí tuệ nhân tạo khiến đa số người dùng hứng khởi, tò mò. Tuy nhiên cũng có trường hợp người dùng cảm thấy lo ngại, trong đó liên quan đến hành lang pháp lý cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro và nghiêm trọng hơn khi nhiều người thực sự tin những thông tin đưa ra từ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo.
2. Các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo hiện có nhiều tiềm năng phát triển và vẫn có thể được cải thiện hơn nữa để áp dụng vào đời sống, xã hội. Các công nghệ này vẫn còn có thể được cải tiến hơn nữa về độ chính xác nhờ cập nhật về công nghệ, bổ sung về mặt dữ liệu, nâng cấp về mặt hạ tầng, do đó trong tương lai gần sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, về bản chất, ứng dụng này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào các thuật toán, dữ liệu đầu vào do con người cung cấp, do đó các sản phẩm được tạo ra từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu đầu vào của con người và chưa có khả năng sinh ra tri thức mới. Một số tác động tiêu cực của các ứng dụng trên là:
Nguy cơ mất an toàn thông tin: Trên MXH xuất hiện nhiều quảng cáo mời gọi cài đặt ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, phần lớn những liên kết này đều dẫn đến ứng dụng giả mạo, không có giá trị pháp lý và có thể chứa phần mềm gián điệp. Khi phần mềm này được cài đặt trên điện thoại hoặc các thiết bị điện tử, nguy cơ bị lộ lọt, mất thông tin cá nhân hoặc bị giám sát.
Khi thiết lập và sử dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, người dùng phải đăng ký tài khoản và sử dụng số điện thoại để kích hoạt tài khoản. Việc đăng ký tài khoản cá nhân trên ứng dụng này đều phải cung cấp thông tin cá nhân như: Họ tên, tuổi, số điện thoại, địa chỉ email… Những thông tin này được liên kết với các ứng dụng như: Facebook, Zalo, Instagram hoặc liên kết với các ứng dụng tiện ích, giao dịch thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến khác. Dựa vào đây, phương thức tự học của các chương trình có thể sẽ vừa thu thập thông tin cá nhân và vừa có thể “đánh dấu” hồ sơ cá nhân riêng biệt với từng người sử dụng phục vụ nhiều mục đích phân tích dữ liệu về đặc điểm, sở thích, tính cách hoặc ngành nghề…
Nguy cơ mất an ninh trật tự: Tội phạm có thể lợi dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho các mục đích phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thông qua việc chiếm đoạt tài khoản cá nhân), bán khống tài khoản, tư vấn các hoạt động phạm pháp như chế tạo thuốc độc, bom mìn, thủ thuật vượt qua các hoạt động an ninh, chỉnh sửa, cải thiện mã độc… Ngoài ra, khi cán bộ, đảng viên sử dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể làm lộ lọt các thông tin liên quan đến cơ quan, đơn vị khi cung cấp dữ liệu cho những ứng dụng này để biên tập, nghiêm trọng hơn có thể gây mất an toàn thông tin cho hệ thống nội bộ.
Liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo trên có thể mang lại những tác động tiêu cực sau:
Thời điểm ChatGPT và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo được cộng đồng mạng quan tâm, các thế lực thù địch lợi dụng các ứng dụng này để tạo làn sóng dư luận, lan truyền, phát tán tin giả, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động chia rẽ sắc tộc, tôn giáo, gây mất ổn định trật tự – an toàn xã hội…; cắt ghép các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vào các tương tác với các ứng dụng này, kết hợp với các công cụ mạng xã hội để lan truyền các thông tin xấu độc, kêu gọi một số thành phần xấu vào chia sẻ, bình luận trên các trang thông tin điện tử gây hoang mang dư luận.
Đối với một số câu hỏi về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, lịch sử Việt Nam, các nội dung “được tạo ra” từ các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hầu hết đáp ứng được yêu cầu và có độ chính xác nhất định; tuy nhiên, ngoài những câu trả lời mang tính khái quát đối với các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các hồi đáp của ChatGPT có phần một chiều, đặc biệt là các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
Có thể nói nguồn dữ liệu đầu vào của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo vẫn có thể được kiểm soát, kiểm duyệt bởi người tạo dựng nên hệ thống do tính sở hữu về mặt hạ tầng, dữ liệu và thuật toán của người xây dựng nên. Nếu có thực sự dữ liệu và các thuật toán không mang tính khách quan, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể tận dụng tính không minh bạch và tính “không công bằng” của thuật toán để tăng cường các hoạt động can thiệp mà khó có thể phát hiện hoặc kiến nghị đối với các nội dung sinh ra bởi các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Nghiêm trọng hơn khi các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo được phát triển thành một ứng dụng mang tính cộng đồng, nó sẽ trở thành một công cụ để tuyên truyền các thông tin sai sự thật, xấu độc và thiếu kiểm chứng nhằm chống phá chính quyền các nước đối lập về chính trị, trong khi đó thông tin thực sự tốt lại có thể bị sàng lọc và kiểm duyệt.
Với số lượng người dùng lớn và dự báo sẽ tiếp tục tăng, các thế lực thù địch đang lợi dụng ChatGPT và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo dư luận, lan truyền, phát tán thông tin sai sự thật bằng cách lồng ghép các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vào các tương tác với các ứng dụng này, kết hợp với các công cụ mạng xã hội để lan truyền các thông tin xấu độc. Trên không gian mạng, chúng đã, đang và sẽ sử dụng một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu như sau:
Đối với các chương trình tạo văn bản, các câu trả lời không mang tính cập nhật, sai lệch thông tin, phần lớn không trích dẫn nguồn dẫn: Các thế lực thù địch đã chỉnh sửa kỹ thuật để lồng ghép các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc vào tương tác với ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin trên không gian mạng; ca ngợi, tán dương các ứng dụng có sử dụng trí tuệ, nhân tạo sẽ làm thay đổi về công tác truyền thông hiện nay như: xuyên tạc việc ChatGPT và các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra thông tin hoặc đáp án “khách quan” hơn các thông tin do Đảng, Nhà nước ta tuyên truyền; lợi dụng việc thông tin mang tính thiếu cập nhật để đưa ra các thông tin sai sự thật, có lợi cho các hoạt động chống phá; việc đưa ra dữ liệu không xác thực, thiếu kiểm chứng; các đối tượng cố tình đặt những câu hỏi mang tính điều hướng, cung cấp dữ liệu sai sự thật để ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo đưa ra những kết quả theo ý đồ riêng; lợi dụng tính năng huấn luyện trong quá trình trao đổi để huấn luyện ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho mục đích tuyên truyền thông tin sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lợi dụng khả năng tạo ra một lượng lớn văn bản một cách nhanh chóng và thuyết phục để phổ biến tin tức không chính xác, thậm chí là tin giả mạo trên quy mô lớn.
Đối với các chương trình tạo/chính sửa ảnh, âm thanh, video: Các thế lực thù địch có thể chỉnh sửa ảnh, âm thanh, video chứa nội dung xấu độc và ghép vào hình ảnh, tiếng nói, video của các lãnh đạo để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, sau đó lợi dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin này trên không gian mạng; lợi dụng khả năng tự động hóa việc tạo nội dung, ảnh, âm thanh, video có thể được xây dựng một cách dễ dàng, phục vụ tuyên truyền các nội dung độc hại bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.
3. Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các nội dung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa như trên, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao cảnh giác của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với những thông tin xấu độc, tin giả, sai sự thật là sản phẩm của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về cơ hội và thách thức khi sử dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tuyên truyền rõ về những hạn chế, những xu thế độc hại về trí tuệ nhân tạo, tránh thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Bảo đảm dòng thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời từ truyền thông chính thống là thông điệp chủ đạo, tin cậy về các chủ đề liên quan đến các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo mà dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nhất là cho cán bộ, đảng viên. Trang bị cho cán bộ, đảng viên kỹ năng tự bảo vệ thông tin cho cá nhân, tổ chức; cách thức chắt lọc, tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phù hợp; nâng cao khả năng nhận diện với các thông tin xấu độc, nguy hại đối với bản thân và xã hội do các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Hai là, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước trên không gian mạng, đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ tham gia phát triển các ứng dụng, chương trình trí tuệ nhân tạo để đất nước có thể tiến tới tự chủ về lĩnh vực này, triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quyết định số 127/QĐ-TTg, ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là: “Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”[9].
Ba là, phát huy vai trò và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để đảm bảo hạn chế được những tác động tiêu cực do các ứng dụng này đem lại; tổ chức đấu tranh phản bác có hiệu quả những luận điệu lợi dụng các ứng dụng trên để tạo ra các nội dung tuyên truyền phá hoại cách mạng Việt Nam; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, đảm bảo yếu tố răn đe nghiêm khắc đối với những tổ chức, các nhân lợi dụng các ứng dụng trên có hoạt động phá hoại nền tảng tư tưởng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, tận dụng các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh việc hạn chế những tác động tiêu cực, cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ lực lượng thực hiện công tác báo chí, truyền thông, đó là: Ứng dụng để phục vụ khai thác, cung cấp thông tin từ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng tin, bài viết về các sự kiện, chủ đề đang được dư luận quan tâm… phục vụ công tác phủ xanh, lan tỏa thông tin tích cực; đồng thời giảm thiểu thời gian biên tập, tận dụng nguồn nhân lực, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền từ bài viết, hình ảnh, âm thanh, video nhờ các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tận dụng tính năng “tự học” và nguồn hạ tầng cơ sở dữ liệu lớn của các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân để tăng cường thông tin tích cực, tạo dựng “kho dữ liệu xanh” phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch./.
TS. Lê Đức Cảnh – Ngô Thanh Long/TG
[4] ChatGPT, Bing, Jasper, YouChat, Chatsonic, Socratic,…
[5] DeepFaceLab, MidJourney, Reface, Dream Studio, DALL-E, Japser Art, Pixray, …
[6] Lovo.ai, Synthesys, Murf, Listnr, Respeecher, Speechelo, …
[7] Descript, Wondershare Filmora, Runway, Peech, Synthesia, Fliki, InVideo,…
[8] Valerie Frissen, Gerhard Lakemeyer, and Georgios Petropoulos, “Ethics and Artificial Intelligence,” Bruegel, December 21, 2018, https://bruegel.org/2018/12/ethics-and-artificial -intelligence/.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, t.1, tr. 140.