VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Lợi dụng tình hình khó khăn trong việc bảo đảm ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động tại một số doanh nghiệp vào dịp cuối năm, các thế lực thù địch, phản động đã tán phát lên mạng xã hội nhiều bài viết xuyên tạc phủ nhận vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bọn họ xuyên tạc rằng: Công đoàn Việt Nam không đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động và chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập với Công đoàn Việt Nam mới chăm lo tốt cho quyền lợi của người lao động. Đây là luận điệu xuyên tạc nguy hiểm, nhằm mục đích kích động công nhân đình công, biểu tình.
Thời gian qua, trước tình hình khó khăn của thế giới và khu vực đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan hệ lao động tại khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như da giày, dệt may, gỗ… có ít đơn hàng xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động ngay vào thời điểm cuối năm 2022 làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân, người lao động. Bất chấp thực tế khách quan đó, các thế lực thù địch vẫn đưa ra nhiều luận điệu vu khống, cáo buộc Công đoàn Việt Nam không còn quan tâm tới việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, mà chỉ quan tâm kết nạp đoàn viên công đoàn.
Thực tế, vấn đề đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho người lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong mỗi lần Hội đồng Tiền lương quốc gia họp bàn về tăng mức lương tối thiểu vùng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đưa ra một mức đề xuất cao nhất so với các ý kiến khác và tranh luận quyết liệt với đại diện người sử dụng lao động để bảo vệ đề xuất của mình. Từ những đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng đã tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000-260.000 đồng/tháng) so với mức cũ. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Các mức lương tối thiểu trên là mức lương thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận và trả lương đối với người lao động…
Ngoài ra, tổ chức công đoàn luôn đóng vai trò là điểm tựa, động viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp, khuyến khích người lao động hăng say lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tổ chức công đoàn giúp cho công nhân hiểu biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất và công tác; thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, lao động sáng tạo; đồng thời, tuyên truyền trong công nhân, viên chức, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu, giải quyết; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, về tổ chức công đoàn trong công nhân, người lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài…
Như vậy từ thực tế trên, những ý kiến cho rằng Công đoàn Việt Nam không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, và chỉ có các tổ chức công đoàn độc lập mới chăm lo tốt cho quyền lợi của người lao động là hoàn toàn sai trái. Thực chất đây chỉ là những toan tính, mưu đồ chính trị, cũng như là vỏ bọc để các đối tượng cơ hội chính trị, phản động tiến hành các hoạt động xuyên tạc các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, lao động, việc làm của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ, hạ thấp vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam. Mục đích xa hơn của chúng là đề cao cái gọi là “công đoàn độc lập” để đối trọng với Công đoàn Việt Nam, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, dẫn tới đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác, đấu tranh đập tan âm mưu đen tối, xảo quyệt, phản động của các thế lực thù địch.
QUỐC SÁCH