VIỆT NAM LUÔN THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH VỀ CÔNG TÁC DÂN TỘC

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán quan điểm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, chống phá, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc nói chung, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14,119 triệu người, sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã gia tăng hoạt động chống phá nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là tìm mọi cách chia rẽ giữa đồng bào kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số. Chúng cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đối xử bất công, không đầu tư, chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khiến cho cuộc sống của đồng bào khó khăn, thiếu thốn. Chúng vu cáo Đảng và Nhà nước không tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đang tiến hành “đồng hóa văn hóa” để phục vụ mục đích “cai trị”. Ngoài ra, nhiều luận điệu hết sức thâm độc khác cũng được chúng tung ra để công kích, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử”, “ngược đãi đồng bào dân tộc thiểu số”. Mục đích của các thủ đoạn này là nhằm gây hoang mang, giao động, xói mòn niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước; kích động chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Để đấu tranh với thủ đoạn vu cáo chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trong thời gian đến, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác này. Trong đó, quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; có giải pháp phù hợp để bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số hài hòa, hợp lý trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững; tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, thôn bản ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Nắm vững tình hình an ninh chính trị, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội ở khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống…

(HTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.